Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cũng cho biết, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp và số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng so với tháng 9/2018. Cụ thể, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 11,7 tỷ đồng, tăng 26,8%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 105.049 lao động, tăng 23,5% so với tháng trước.

Trong 10 tháng năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, cả nước có 109.611 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.115.952 tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017 (Bảng 1).


Nguồn: Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm nay là 924.791 lao động, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo vùng lãnh thổ, trong số 06 vùng lãnh thổ trên cả nước, chỉ có 03 vùng có tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới khả quan với biến động cùng tăng về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký, đó là: Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên có số lượng doanh nghiệp mới và số vốn đăng ký đều giảm.

Riêng vùng Đông Nam Bộ có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới (tăng 5,1%), tuy nhiên, giảm về số vốn đăng ký (giảm 5,7%). Tuy vậy, trong 10 tháng năm 2018, Đông Nam Bộ vẫn đứng đầu về cả số lượng doanh nghiệp mới (có 46.817 doanh nghiệp, chiếm 42,7% của cả nước) và số vốn đăng ký (là 508.273 tỷ đồng, chiếm 45,5%).

Về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân, cao nhất cả nước là vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt là 11,7 tỷ đồng/doanh nghiệp; tiếp đến là Đông Nam Bộ đạt 10,9 tỷ đồng/doanh nghiệp; Đồng bằng sông Hồng đạt 10,0 tỷ đồng/doanh nghiệp; Khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ thấp nhất, đạt 6,9 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Theo lĩnh vực hoạt động, trong 10 tháng qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung nhiều nhất ở các ngành, như: bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo.

Qua xem xét về số lượng và tốc độ gia tăng về số doanh nghiệp cho thấy, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất có 38.121 doanh nghiệp, chiếm 34,8% so với cả nước, nhưng xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp thành lập mới của ngành nghề so với cùng kỳ năm 2017, thì ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ cao nhất là 42,5%.

Trong 10 tháng năm 2018, cả nước cũng có 27.935 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, trong 10 tháng năm 2018, cả nước có 24.467 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, trong 10 tháng qua, cả nước cũng có 53.937doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có 37.722 doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký và 16.215 doanh nghiệp chờ giải thể (Bảng 2).

Nguồn: Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh

Về số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng qua, cả nước có 13.307 doanh nghiệp, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Thống kê cũng cho thấy, vùng Đồng bằng Sông Hồng có tổng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể cao nhất cả nước là 32.907 doanh nghiệp.

Còn theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở những ngành kinh tế, như: bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 5.000 doanh nghiệp, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.900 doanh nghiệp, tăng 48,3%; xây dựng có 1.600 doanh nghiệp, tăng 51,7%./.