Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (phải) và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh (trái)

Sáng 12/11, Ủy ban nhận chuyển giao SCIC từ Bộ Tài chính

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh rằng: “Sau khi chuyển giao về Ủy ban, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng với nỗ lực của SCIC cũng như sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, địa phương thì SCIC sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Ðảng”.

Tại Lễ bàn giao, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao sự hỗ trợ cực của Bộ Tài chính trong suốt quá trình chuẩn bị và chính thức chuyển giao SCIC về Ủy ban. Trong số 19 doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, SCIC là một trong những doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quản lý, sử dụng, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Sau khi tiếp nhận SCIC, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, nhiệm vụ, vai trò được giao. Đồng thời tiếp tục sắp xếp, đổi mới tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên theo các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Buổi chiều, VNPT và Mobifone, cùng 5 tổng công ty giao thông vận tải được chuyển giao về Ủy ban

Chứng kiến lễ bàn giao 2 doanh nghiệp lớn của Bộ Thông tin và Truyền thông về Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục lớn mạnh, góp phần đắc lực trong phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, việc thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tới nay, các bộ, ngành đã lần lượt chuyển giao các doanh nghiệp trực thuộc về Uỷ ban xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước là tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý doanh nghiệp.

Nhưng không vì vậy mà vai trò của các bộ bị giảm nhẹ mà để các cơ quan tập trung thực hiện tốt hơn vai trò quản lý Nhà nước, được quy định tại Điều 8 của Luật Quản lý, đầu tư và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, việc tách bạch 2 chức năng trên cũng góp phần bảo toàn, phát triển vốn nhà nước hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, Phó Thủ tướng kỳ vọng 2 doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông sẽ có nhiều điều kiện thực hiện đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển nền kinh tế số, mô hình kinh doanh chia sẻ, chính phủ điện tử và hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh ký văn bản bàn giao

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp coi trọng yếu tố con người, kiện toàn bộ máy tổ chức cấp chuyên viên, chuyên gia quản lý khối lượng lớn tài sản của đất nước.

VNPT và Mobifone đều là 2 doanh nghiệp lớn có tổng tài sản trên 128.000 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là VNPT có quy mô tổng tài sản 95.633 tỷ đồng (vốn nhà nước là trên 72.000 tỷ đồng), còn Mobifone là 32.538 tỷ đồng (vốn nhà nước là 15.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Mobifone đang bị chậm lại quá trình cổ phần hoá do vướng mắc trong vụ mua lại Kênh truyền hình An Viên. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban phối hợp với các bên thực hiện dứt điểm hạch toán khi trả lại Kênh truyền hình này, kiểm kê, đánh giá lại tài sản và nhận bàn giao vốn chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Cũng chiều cùng ngày, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức chuyển giao 5 Tổng công ty trực thuộc Bộ về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký biên bản bàn giao 5 Tổng công ty thuộc Bộ về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Cụ thể, 5 tổng công ty gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Các nội dung bàn giao lần này gồm các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp như quyết định thành lập; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp; quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất...

Chứng kiến lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết việc 5 Tổng công ty này có tổng tài sản rất lớn lên tới hơn 275.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 49.000 tỷ đồng, vốn Nhà nước góp vào hơn 46.000 tỷ đồng, “chiếm tới 1 phần 4 tổng tài sản của cả nước”.

Do đó, việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn là triển khai chủ trương thực hiện mô hình đại diện chủ sở hữu do trước đây vai trò này phân tán ở các bộ, nay một cơ quan riêng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ thực hiện chức năng đại diện phần vốn Nhà nước ở doanh nghiệp và quản lý số vốn này. Việc này cũng xác định rõ ràng chức năng quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp.

“Việc chuyển chức năng đại diện chủ sở hữu đang phân tán tại các bộ về Uỷ ban Quản lý vốn không làm suy giảm vai trò của các bộ mà chính là tạo điều kiện để các bộ làm tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước về chuyên ngành”, Phó Thủ tướng khẳng định./.