Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước tại hội thảo Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt trong sản xuất và lưu thông hàng hóa trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 29/11/2018 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo

CMCN 4.0 - Thời cơ để các doanh nghiệp trong nước đi tắt đón đầu

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cuộc CMCN 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên hệ thống kết nối số hóa - vật lý - công nghệ sinh học, trong đó sự đột phá của internet và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ doanh nghiệp. Là nước đang phát triển, việc tiếp cận những thành tựu của CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường…

Đặc biệt, đối với ngành bán lẻ là đóng vai trò quan trọng trong chuỗi lưu thông hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của xã hội. Sự phát triển của CMCN 4.0 đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp bán lẻ nói riêng thông qua áp dụng những công nghệ mới, tích hợp kênh bán lẻ trực tuyến và cửa hàng, mang lại trải nghiệm mua sắm thú vị và độc đáo cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm, một trong những thành tựu nổi bật của CMCN 4.0 là sự phát triển của thương mại điện tử, hứa hẹn triển vọng tích cực mở ra cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam. Bởi thương mại điện tử là yếu tố quan trọng để hình thành mô hình bán hàng đa kênh – một mô hình kết hợp giữa bán hàng trực tuyến và trực tiếp tại cửa hàng để thu hút khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh.

Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), 65% người dùng internet đã thực hiện hành vi mua sắm trực tuyến với mức chi tiêu bình quân là 179USD/người trong năm 2016; doanh thu thương mại điện tử B2C đạt 5 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 3% doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2016.

Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho rằng, là nước đang phát triển, dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam, do vậy đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp bán lẻ trong nước tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu nằm phát huy khả năng cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

“Những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 mở ra muôn vàn cơ hội cho các nhà bán lẻ Việt Nam trong việc mở rộng quy mô thị trường, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.

Đứng về phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Vân Phượng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại cho biết, CMCN 4.0 đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và dần chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Với các thành tựu công nghệ, chi phí cận biên trên một sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có thể giảm xuống hàng trăm lần. Quy trình sản xuất nhanh hơn, thông minh hơn, rút ngắn thời gian sản xuất nhiều lần so với trước đây. Đối với những doanh nghiệp sản xuất thì đây là điểm mạnh, lợi thế cần được phát huy nếu muốn nhanh chóng bắt kịp, đi cùng và trụ vững với các công nghệ đặc trưng 4.0.

Song, cũng không ít thách thức

Bên cạnh những cơ hội, ông Trần Duy Đông cho rằng, CMCN 4.0 cũng sẽ mang lại nhiều thách thức cho ngành bán lẻ trong việc chuyển đổi theo xu hướng 4.0. Đó là nhờ thành tựu của công nghệ, người mua có thể đặt hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào trong nước, thậm chí mua hàng ở các quốc gia khác. Chính vì thế, lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý hay giá cả của doanh nghiệp đều giảm vì khách hàng sẽ dễ tìm được nhà cung cấp giá rẻ hay chất lượng tốt hơn. Trong khi đó, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài lớn, trang bị công nghệ hiện đại theo xu hướng 4.0 sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ mất thị phần, nhân sự và lợi thế cạnh tranh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hội cho biết, mặc dù các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã có chú trọng đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa thực sự cao. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư lớn nên các doanh nghiệp bán lẻ Việt chưa mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng bán lẻ điện tử, song song với các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Do vậy, doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều chi phí cho mặt bằng, nhân viên... Trong khi đó, nếu chỉ bán hàng online cũng rất khó khi phải đối diện với những rào cản về lòng tin người tiêu dùng, vấn đề vận chuyển và thanh toán.

Một thách thức lớn khác của CMCN 4.0 cho ngành bán lẻ Việt Nam chính là nguồn nhân lực. Theo Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, khác với bán lẻ truyền thống, đội ngũ nhân viên phục vụ chủ yếu tương tác trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên bán lẻ 4.0 trên nền tảng công nghệ hiện đại đòi hỏi đội ngũ nhân viên phải được đào tạo, am hiểu chuyên sâu, bắt kịp xu thế, làm chủ dược các thiết bị, máy móc, phần mềm ứng dụng đang dần thay thế công việc cho con người.

Cần sự đồng hành của Nhà nước và doanh nghiệp

Để có thể tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức của CMCN 4.0, ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, Nhà nước và doanh nghiệp cần đồng hành với nhau. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp bán lẻ ứng dụng công nghệ mới, phát triển bán hàng đa kênh tích hợp bán lẻ online song song với kênh bán lẻ truyền thống.

Cùng với đó, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu kết nối mạng trên phạm vi cả nước, hoàn thiện mạng truyền thông di động trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, đào tạo và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nhằm đưa ra các chương trình phù hợp.

Còn về phía doanh nghiệp, chủ động tìm hiểu, cập nhật công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực của mình; xây dựng chiến lược bán hàng phù hợp với thời đại mới; thay đổi công nghệ, ứng dụng bán hàng đa kênh. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro về công nghệ thông tin; xây dựng và khai thác phân tích cơ sở dữ liệu; tăng cường đào tạo cho nhân viên.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ mới, tự động hoá dây chuyền sản xuất, giảm chi phí tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tăng tính linh hoạt cho sản phẩm… từ đó tạo sự đồng nhất cho sản phẩm, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

Bàn về giải pháp, bà Nguyễn Thị Bích Hường, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, nếu không ứng dụng công nghệ sẽ bị tụt hậu và đào thải. Cuộc chiến vừa qua giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ là một minh chứng. Vì vậy, để tồn tại, bà Hường cho rằng, các doanh nghiệp cần ứng dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp. Từ đó sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tạo sự đồng nhất cho sản phẩm, nâng cao chất lượng và năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp.

Nhấn mạnh vai trò của thương mại điện tử trong CMCN 4.0, ông Trần Đình Toản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khuyến cáo, doanh nghiệp nên đưa và giới thiệu sản phẩm lên các trang bán hàng chuyên nghiệp. Đây không chỉ là kênh bán hàng mà còn giúp doanh nghiệp, sản phẩm tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường nước ngoài một cách rẻ và hiệu quả nhất.

Ở khía cạnh khác, bà Vũ Thị Vân Phượng cũng cho rằng, doanh nghiệp hiện nay muốn trụ vững và phát triển trong thời kỳ CMCN 4.0 cần phải chú trọng giải quyết các vấn đề, như: sự kỳ vọng của khách hàng, tăng cường chất lượng dịch vụ sản phẩm, đổi mới phương thức hợp tác, tư duy quản lý điều hành doanh nghiệp./.