Khẳng định trên được đưa ra tại Tọa đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông doanh nghiệp ngành dầu khí” do Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với PVN tổ chức sáng nay (5/3).

IR - chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư, hoạt động quan hệ cổ đông (IR) nói chung và hoạt động truyền thông, kết nối, quảng bá đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Ông Tuấn nhận xét: “Thực tế, những thương vụ IPO và chào sàn chứng khoán thành công của các doanh nghiệp ngành dầu khí gần đây như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí hay các doanh nghiệp thuộc các ngành khác như VPBank, Tecombank, HDBank hay Vinhomes… cho thấy, chỉ khi doanh nghiệp ý thức được tầm quan trọng của hoạt động IR, kết nối với các nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp, minh bạch hóa thông tin, chủ động cung cấp thông tin một cách đầy đủ, khách quan và kịp thời tới thị trường và các nhà đầu tư tiềm năng, thì mới có khả năng thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư vào doanh nghiệp mình”.

“Chất lượng hoạt động IR nói chung và PR nói riêng không chỉ tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu, giá trị doanh nghiệp, mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh tại Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm

Làm rõ hơn về hoạt động IR, ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng thành viên PVN cho biết, hoạt động IR bao gồm và gắn liền với các hoạt động PR. Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đều quan tâm và triển khai các hoạt động IR, PR rất thành công, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Lấy dẫn chứng của PVN, ông Đinh Văn Sơn nêu rõ, từ năm 2012 đến nay, PVN đã đưa vào vận hành bộ chỉ số PVN Index, chỉ số chứng khoán ngành bao gồm rất nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu như PVGas, PVS, PVD, DPM, PVI... và trong thời gian tới cũng sẽ có sự tham gia của của các cổ phiếu dầu khí lớn khác như PVOil, PVPOWER, BSR...

Thông qua hoạt động vận hành và quảng bá bộ chỉ số ngành, PVN Index, mối quan hệ giữa Tập đoàn, các doanh nghiệp Dầu khí và các nhà đầu tư tổ chức lớn quốc tế được cải thiện hơn. Nhất là trong bối cảnh nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2020-2022, tỷ trọng giải ngân của các quỹ ngoại sẽ gia tăng mạnh không chỉ vào các cổ phiếu đầu ngành các nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm, dược phẩm, tiêu dùng mà cả các cổ phiếu ngành Dầu khí (GAS, PVD, PVS, OIL, POW…).

Nhiều doanh nghiệp khá chú trọng vào các hoạt động quan hệ nhà đầu tư, tổ chức các sự kiện kết nối nâng cao vị thế doanh nghiệp cũng như giải đáp kịp thời các câu hỏi thắc mắc từ phía các nhà đầu tư như: Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Phú Mỹ (PVFCCo), Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower).

Trong đó, điển hình là PVPower đã tổ chức các hoạt động truyền thông, sự kiện quan hệ nhà đầu tư, bao gồm các hoạt động gặp gỡ các chuyên gia phân tích tài chính; các chương trình đi thăm nhà máy điện khí hay chương trình “Hành trình năng lượng” (phối hợp với Công ty cổ phần Chứng khoán dầu khí triển khai trong năm 2018) đã trở thành một trong những hoạt động hiệu quả, hữu ích không chỉ phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin từ phía các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, kết nối với các quỹ đầu tư nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu) mà còn hỗ trợ việc công bố thông tin cho giới phân tích và các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các sự kiện điển hình trên được các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đánh giá rất cao.

Cần thực hiện nhất quán

Đánh giá tình hình chung, ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, công tác IR tại nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Chất lượng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp chưa cao, doanh nghiệp chưa chủ động công khai tiến độ sử dụng vốn, về quản trị…

Đồng tình với ý kiến trên, ông Sơn cũng chỉ ra, hoạt động IR mà các doanh nghiệp dầu khí hiện nay nhìn chung chưa được thực hiện một cách chuyên nghiệp, cách thức triển khai hoạt động chưa đồng đều, nhất quán. Đây là nỗi trăn trở của lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Để nâng cao chất lượng IR, các chuyên gia cho rằng, về phía doanh nghiệp, điều quan trọng đầu tiên là cần nhìn nhận, đánh giá lại nghiêm túc hoạt động IR. Một khi doanh nghiệp lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư, thì hoạt động IR sẽ thành công.

Về phía nhà quản lý, ông Lê Công Điền khẳng định, nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động IR sẽ được cơ quan quản lý thúc đẩy theo hướng tăng cường hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, mà trước hết cho lãnh đạo doanh nghiệp về tuân thủ yêu cầu minh bạch thông tin.

Cùng với đó là tăng cường công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, đảm bảo tính kỷ luật và lòng tin của thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện báo cáo và công bố thông tin qua Hệ thống công bố thông tin của công ty đại chúng (IDS), đảm bảo việc công bố thông tin nhanh chóng, chính xác và kịp thời./.