Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019

Vẫn còn nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế tư nhân

Tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 chiều ngày 2/5/2019, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình khẳng định, phát triển kinh tế tư nhân là quy luật tất yếu trong thời kỳ quá độ của Việt Nam. Trong 3 năm qua, đã có nhiều chính sách, ý tưởng, để tạo ra sự bứt phá cho các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên theo thống kê, trong top 10 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất thì có 5 doanh nghiệp nhà nước và 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chưa xuất hiện doanh nghiệp tư nhân.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình cũng chỉ rõ, nhiều thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân chưa được khắc phục; môi trường kinh doanh chưa thật sự thuận lợi, nhiều rào cản còn hạn chế kinh tế tư nhân, ông nhận định.

Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là yêu cầu trong tiến trình xây dựng kinh tế. Đây được xem là phương thức quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động nguồn lực xã hội.

Ở góc độ thể chế, ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ rằng, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung thể chế hoá về các chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng chỉ rõ một số vấn đề cần giải quyết:

Thứ nhất là việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế trong tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Một vấn đề nữa là những chi phí tuân thủ pháp luật thời gian qua chưa được giải quyết tốt. Thời gian làm thủ tục quản lý còn nhiều.

Mục tiêu đặt ra đến 2020 phải có một triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động nhưng hiện tại mới đạt 715.000, đây là một thách thức.

Cần phải làm gì để phát triển kinh tế tư nhân?

Từ những hạn chế được chỉ ra, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là những luật liên quan đến thể chế, luật công chức viên chức, chế độ kinh tế, chính sách kinh tế, như luật đầu tư, luật sở hữu trí tuệ, luật đất đai.

“Những luật này phải phá vỡ rào cản và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được với nguồn lực về đất đai, tài chính, yếu tố sản xuất...”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần cố gắng để giảm những chi phí tuân thủ pháp luật như lệ phí kinh doanh, cùng với đó là những chi phí không chính thức gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Để hiện thực hóa mục tiêu năm 2030, kinh tế tư nhân phải chiếm khoảng 60% GDP, Phó Thủ tướng thường trực Trường Hòa Bình cho rằng, Chính phủ cần xây dựng những con sếu đầu đàn trong thành phần kinh tế tư nhân, thông qua việc định hướng chính sách, lắng nghe, tiếp cận và đội thoại, từ đó chọn lọc và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, phát triển thành phần kinh tế tư nhân; hỗ trợ cải cách hành chính.

Song song với đó, các doanh nghiệp phải vươn lên sáng tạo, có tâm huyết, có năng lực về vốn, sáng tạo, hoài bão và văn hoá

Trả lời về sự thống nhất trong các bộ luật và cơ chế chính sách cho doanh nghiệp, tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, chính sách có khả năng dự báo nên cần có tính thống nhất trong hệ thống. Đây được xem là yếu tố quyết định hàng đầu khi đầu tư tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài.

"Hiện có sự chồng chéo giữa các bộ luật", ông Dũng thừa nhận và cho biết Bộ đang rà soát để đưa ra phương án giảm thiểu tình trạng này.

Với kiến nghị về thủ tục thành lập hãng hàng không, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, đây là ngành nghề có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nên cần có thẩm quyền của Chính phủ. Doanh nghiệp xin cấp giấy kinh doanh của ngành dựa trên Luật Hàng không. Cơ quan quản lý cũng sẽ rà soát nếu các điều khoản của luật liên quan trùng lặp sẽ tiến hành lược bỏ như điều kiện về vốn.

Liên quan đến doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Dũng cho biết đây là doanh nghiệp đặc thù.

"Hiện Chính phủ đã có nhiều chính sách song Bộ sẽ xây dựng thêm chính sách để loại bỏ các vướng mắc phù hợp với tính chất của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo giúp họ sớm tham gia sớm vào thị trường", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Để thúc đẩy kinh tế tư nhân, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị một số vấn đề lớn:

- Tiếp tục khẳng định vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân dù trong một số lĩnh vực, doanh nghiệp nhà nước có thể đóng vai trò dẫn dắt.

- Xác định trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế trong những năm tới phải nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và các doanh nghiệp dân tộc.

- Tiếp tục có những nỗ lực đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi.

- Triển khai đồng bộ các chính sách giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế tư nhân, các tập đoàn kinh tế hỗn hợp.

- Sửa đổi luật doanh nghiệp với hai nội dung căn bản: Đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ đồng thời xác lập khung khổ pháp lý cho khu vực hộ kinh doanh cá thể có đăng ký.

Ngoài việc quan tâm đến phát triển số lượng doanh nghiệp, cần chú trọng đến nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp khu vực tư nhân.

- Thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Xã hội 5.0 và công nghiệp 4.0.

- Thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư không chỉ trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội mà còn yểm trợ phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng do các doanh nghiệp đầu tàu khu vực tư nhân dẫn dắt.

- Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời khỏi các chính sách tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước và thu hút chọn lọc các doanh nghiệp FDI, để vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa tạo dư địa cho phát triển kinh tế tư nhân.

- Xây dựng lộ trình thực hiện việc xã hội hóa dịch vụ công, chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp và thị trường.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các liên minh liên chính và áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn xây dựng và thực hiện các báo cáo phát triển bền vững./.