Đó là một trong những nội dung được quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến đóng góp.

Sửa đổi 30 điều, bổ sung 03 điều của Luật Đầu tư

Dự thảo Luật này sửa đổi 30 điều, bổ sung 03 điều của Luật Đầu tư. Theo đó, những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư được phân thành các nhóm sau đây:

Nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.

Bãi bỏ 17 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 6 ngành, nghề và bổ sung 3 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Nhóm các quy định về ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư: Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này (như: áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật; không được bảo đảm ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 13 Luật Đầu tư trong trường hợp ưu đãi đầu tư được cấp hoặc kê khai trái quy định của pháp luật…). Bổ sung điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên để thống nhất với điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhóm các quy định về đầu tư nước ngoài: Trên cơ sở những mục tiêu, quan điểm, giải pháp quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài theo Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Dự thảo Luật này đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

Một là, bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này bao gồm: Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện. Ngoài Danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Hai là, sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN theo hướng: Không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ khởi nghiệp sáng tạo nhằm áp dụng thủ tục thuận lợi, đơn giản nhất phù hợp với những yêu cầu đặc thù trong hoạt động mô hình kinh doanh mới đầu tư dựa trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ…

Bổ sung quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (gồm các điều kiện: không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; bảo đảm phù hợp với quy hoạch; đáp ứng các tiêu chí, định mức về sử dụng đất đai, lao động...).

Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp.

Sửa đổi 53 điều, bãi bỏ 02 điều và bổ sung 7 điều của Luật Doanh nghiệp

Đối với ”Nội dung về đăng ký doanh nghiệp” (Chương I và II), dự thảo sửa đổi Điều 1 để bổ sung hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp; sửa đổi Điều 3 để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó, trừ thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết trong đăng ký doanh nghiệp, gồm: thủ tục đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng (bãi bỏ khoản 2 và khoản 5 Điều 44); thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (bãi bỏ Điều 12); thủ tục gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới (bãi bỏ khoản 1 Điều 34, khoản 4 Điều 46); bãi bỏ yêu cầu phải nộp Điều lệ doanh nghiệp khi đăng ký thành lập công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần (các Điều 21, 22 và 23).

Sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động của doanh nghiệp

Đối với ”Công ty trách nhiệm hữu hạn” (mục 1 và 2 Chương III), dự thảo sửa đổi khoản 1, 2 Điều 78 theo hướng chuyển từ bắt buộc thành lập Ban kiểm soát sang cơ chế giao quyền cho chủ sở hữu quyết định và lựa chọn cơ chế giám sát, phù hợp với trường hợp cụ thể của doanh nghiệp; sửa đổi khoản 1 Điều 67 theo hướng mở rộng phạm vi người có liên quan, diễn giải rõ hơn các quy định này nhằm đảm bảo dễ áp dụng và áp dụng thống nhất trên thực tế.

Quy định về ”Doanh nghiệp nhà nước” (Chương IV): Việc sửa đổi các quy định có liên quan về doanh nghiệp nhà nước để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết trung ương 5 đòi hỏi không chỉ sửa đổi tại Chương IV về doanh nghiệp nhà nước, mà còn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại các chương III và V, cụ thể như sau: Bổ sung Điều 87a về doanh nghiệp nhà nước, theo hướng liệt kê rõ những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì áp dụng quy định về tổ chức quản lý theo Chương IV Luật doanh nghiệp. Đồng thời, đổi tên Chương từ ‘doanh nghiệp nhà nước’ thành “doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ’. Doanh nghiệp có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước thì tùy vào hình thức pháp lý sẽ áp dụng quy định về tổ chức quản lý tương ứng áp dụng chung cho các doanh nghiệp.

Đối với Công ty cổ phần (Chương V): Bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Điều 113). Đồng thời, bổ sung khoản 6 Điều 144 về quyền biểu quyết đối với cổ phần phổ thông đã được lưu ký để phát hành Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết để tương thích với nội dung được sửa đổi tại Điều 113. Bổ sung khoản 4 Điều 115 quy định rõ trách nhiệm của cổ đông trong việc bảo mật các thông tin mà cổ đông có quyền được xem xét, tra cứu, trích lục từ công ty.

Hộ kinh doanh: Bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh (bao gồm Điều 187b, 187c) theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của ‘hộ kinh doanh’ bên cạnh các loại hình pháp lý khác là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; là hình thức kinh doanh phù hợp với hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản, nhanh nhạy; tạo điều kiện gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống; xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với hộ kinh doanh; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh./.