Cách mạng Công nghiệp 4.0 làm thay đổi mô hình, tư duy và cách thức kinh doanh

Phát biểu khai mạc, PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, Hội thảo “Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0” nhằm tạo một diễn đàn đa chiều trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Chính phủ của chúng ta đang quyết tâm cao độ trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đề cao vị trí – vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân như là động lực quan trọng của phát triển đất nước.

“Những khái niệm 1.0, 2.0, 3.0 và hiện chúng ta đang sống với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được nhắc đến hàng ngày trên các diễn đàn xã hội. Đó là cơ hội hay thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang được giới học giả và các nhà hoạch định chính sách đề cập khá nhiều chiều, nhiều góc độ khác nhau”, PGS, TS. Lê Xuân Đình khẳng định.

Theo PGS, TS. Lê Xuân Đình, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm/ Ảnh: Minh Trang

Nhấn mạnh vai trò của Cách mạng Công nghiệp 4.0, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu dẫn lời nói của Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Ai làm chủ AI, người đó sẽ thống trị thế giới”.

Theo ông Võ Trí Thành, khoảng 3 năm trước khi Việt Nam bắt đầu nói về Cách mạng Công nghiệp 4.0, chỉ 30% doanh nghiệp tin tưởng Việt Nam có thể lên được con tàu Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nhưng sau 3 năm, tư duy của cả Chính phủ và doanh nghiệp đã có những thay đổi đáng kể. Theo một kết quả khảo sát gần đây, 50% doanh nghiệp tin tưởng Việt Nam làm được. Thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam chuyển dịch sang sản xuất công nghệ, sáng tạo…

Nhận xét về tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mô hình, tư duy và cách thức kinh doanh, khiến xuất hiện những loại hình kinh doanh mới.

Toàn cảnh hội thảo/ Ảnh: Minh Trang

Song, tiềm ẩn nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Đó là cơ hội lớn vì những tiến bộ vuợt bậc của cuộc cách mạng này đem lại để tăng năng suất lao động, nâng cao mức sống của người dân... Nhưng chính nó cũng đang là thách thức lớn, doanh nghiệp nếu không bắt “đúng nhịp” sẽ bị tụt hậu, thậm chí bị đào thải khỏi thị trường.

Cụ thể, theo ông Phan Đức Hiếu, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh, phải thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng, cũng như chu kỳ sản xuất, tuổi thọ sản phẩm…

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh trong bối cảnh 4.0/ Ảnh: Minh Trang

Kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới khoảng 75% doanh nghiệp sản xuất trong nước đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang sử dụng các thiết bị, máy móc có công nghệ đã lạc hậu từ 2 đến 3 thế hệ. Ngoài ra, có tới 24% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ có 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Chúng ta lại đang đứng trước làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu ra bên ngoài của những quốc gia phát triển đi trước...

“Điều đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn, có vẻ như chưa thực sự bắt nhịp với xu thế mới, do đó thách thức có thể nhiều hơn và có nhiều vấn đề rất đáng lo ngại”, PGS, TS. Lê Xuân Đình nói.

Một cuộc điều tra mới nhất trên 7.000 doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra, mặc dù hơn 60% doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo, trình độ công nghệ của doanh nghiệp có sự cải thiện, nhưng mức độ tăng vẫn chậm hơn của thế giới.

Hơn nữa, mới chỉ có 2% doanh nghiệp có quỹ phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, chứng tỏ hành động cụ thể của doanh nghiệp còn chưa mạnh mẽ.

Đứng ở góc độ nhà làm chính sách, ông Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, nhận thức và hành động của Chính phủ đã có, được thể hiện qua việc ban hành rất nhiều chính sách, như: Chỉ thị số 16/CT-TTg (2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận I4.0; Nghị quyết số 19/NQ-CP (2017, 2018); Nghị quyết số 35/NQ-CP (2016); Chương trình KC4.0/19-25 về hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng của công nghiệp 4.0… Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Quyết định số 3685/QĐ-BKHCN ngày 3/12/2018 ban hành danh mục các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), Chuỗi khối (Blockchain), Phân tích dữ liệu lớn (Big data analytic), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), Thế hệ mạng di động thứ 5 (5th Generation), Robot, điện toán đám mây (I-cloud)... Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ còn triển khai nhiều giải pháp xây dựng platform, trong đó khai thác số liệu sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng.

Ông Nguyễn Hữu Xuyên cho biết, Việt Nam đã ban hành rất nhiều chính sách để tiếp cận với Cách mạng Công nghiệp 4.0/ Ảnh: Minh Trang

Chúng ta cũng đang có những hỗ trợ cho doanh nghiệp tra cứu sáng chế của NOIP, VIPRI để có thể tìm kiếm thông tin về các đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, đã công bố và các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp văn bằng, đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đây là đầu vào rất tốt để doanh nghiệp có thể tra cứu nhằm xây dựng chiến lược kinh doanh cho mình.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, theo ông Nguyễn Hữu Xuyên, đó là, chưa đến 30% doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ

Thay đổi tư duy

Để biến thách thức thành cơ hội, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, doanh nghiệp đừng suy nghĩ 4.0 quá phức tạp, quá khủng khiếp, mà chỉ đơn giản là thay đổi tư duy hàng ngày, làm thế nào kinh doanh hiệu quả hơn thông qua áp dụng khoa học đầu tư tiên tiến, thay đổi hiện tại. Không chỉ thay đổi tư duy, mà còn cần đổi mới tổ chức và quản trị sự thay đổi.

Ông Trịnh Minh Giang, Chuyên gia đào tạo về chuyển đổi số và chiến lược nền tảng số, Chủ tịch Công ty Đầu tư VMCG thì kiến nghị, doanh nghiệp cần phải hiểu công nghệ xung quanh để lựa chọn công nghệ phù hợp, không trượt khỏi xu hướng.

Đồng tình với ông Trịnh Minh Giang và bổ sung thêm, TS. Võ Trí Thành lưu ý, điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số đó là hãy nghĩ về tương tác với khách hàng, trải nghiệm với khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần gắn với tư duy chiến lược kinh doanh của mình.

Dẫn một ví dụ về vai trò quan trọng của AI, ông Lê Công Thành, CEO của InfoRe Technology thông tin công ty này đã thành lập trang web lietsi.com. Dự án này hướng tới việc số hóa toàn bộ các nghĩa trang liệt sĩ ở Việt Nam bằng sức mạnh cộng đồng. Bên cạnh đó, xây dựng ngân hàng dữ liệu gen của toàn bộ các gia đình thân nhân liệt sĩ còn chưa tìm được, tạo thành cơ sở dữ liệu đối chứng cho các hoạt động xác định danh tính liệt sĩ trong tương lai, bằng sức mạnh của cộng đồng và các gia đình thân nhân liệt sĩ.

Để thu thập được dữ liệu là các anh hùng liệt sĩ đã mất, công ty đã vận động người dân đến nghĩa trang gần nơi họ sinh sống, chụp ảnh bia mộ rồi sử dụng công cụ đăng lên lietsi.com để những người khác tham gia số hóa. Trong 2 năm đã số hóa được 750.000 bia mộ và đã có khoảng 1.000 gia đình tìm được người thân qua hệ thống lietsi.com.

Từ đó, CEO của InfoRe Technology khẳng định, bất cứ doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng có thể làm AI, chỉ cần có dữ liệu rồi nhờ cộng đồng dán nhãn thô, sau đó thuê chuyên gia lập chương trình và sau đó doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.

Ông Lê Công Thành, CEO của InfoRe Technology/ Ảnh: Minh Trang

Trong tương lai, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng công nhân bị thải loại rất nhiều, do đó những platform thế này có thể cung cấp hàng triệu việc làm cho công nhân Việt Nam chỉ cần qua 1 chiếc smartphone. Đây là một trong những công việc của xã hội tương lai và có tính bền vững rất cao.

“Việt Nam đang bị hao phí nguồn lực, bị các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng. Nếu xây dựng được nguồn dữ liệu riêng mình, thì Việt Nam sẽ thu được lợi ích rất lớn, tạo ra bộ dữ liệu và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động”, ông Lê Công Thành chia sẻ./.