VBF là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; thuận lợi hóa môi trường đầu tư đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam. Sự kiện do Liên minh VBF phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức.

Toàn cảnh diễn đàn.

Doanh nghiệp là lực lượng chính để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao chủ đề của VBF giữa kỳ 2019. Phó Thủ tướng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, doanh nghiệp mới thực sự là chủ thể, là lực lượng chính và là động lực để thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bởi không ai khác ngoài doanh nghiệp có nguồn lực, có khả năng sử dụng nguồn nhân lực và áp dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời, doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho sản xuất và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn vào trách nhiệm xã hội nhất là trong các vấn đề liên quan tới kinh tế, pháp lý và đạo đức.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, tác động đến nền kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, là một trong những điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức cần phải đối mặt để giải quyết. Nguyên nhân chủ yếu là do năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động còn thấp; trình độ quản trị, năng lực kinh doanh còn kém; tính liên kết hạn chế; pháp luật về đầu tư kinh doanh còn bất cập; chi phí vốn, logistics, đặc biệt chi phí thủ tục hành chính còn cao. Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp, mới chỉ đạt 140 người/1 doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt.

Nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nội tại, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững; năng suất lao động và năng lực cạnh tranh còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả của Việt Nam.

Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Đánh giá về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, Việt Nam có được những lợi thế cạnh tranh là nhờ vào chi phí lao động thấp và đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi, bù đắp cho những gánh nặng pháp lý mà nhà đầu tư phải đối mặt. Tuy nhiên, gần đây, chi phí lao động đã vượt xa mức tăng năng suất gây ảnh hưởng xấu tới vị thế cạnh tranh của Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ trong lĩnh vực thuế và hải quan điện tử, song các doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải đối mặt với quá nhiều đợt kiểm tra và thanh tra về thuế. Do đó, AmCham mong muốn, Việt Nam cần có những giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thời gian và sự bất ổn đặc trưng của các cuộc kiểm toán thuế và hải quan.

Trong những ý kiến gửi tới VBF 2019, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. EuroCham đánh giá cao sự hỗ trợ và các sáng kiến tích cực của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh cũng như lắng nghe ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Các công ty thành viên của EuroCham đã chọn Việt Nam là ngôi nhà của mình và dự định mở rộng đầu tư, kinh doanh hết mức có thể.

Tuy nhiên, vào thời điểm nhạy cảm thương mại toàn cầu, khi nhiều doanh nghiệp quan tâm tới việc tập trung hoạt động sản xuất tại một nước duy nhất và Việt Nam đang ở vị thế có thể tận dụng những cơ hội này, thì đòi hỏi phải có được môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định giúp tối đa hóa mọi cơ hội của các doanh nghiệp. EuroCham mong muốn những điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng và không cần thiết sẽ được loại bỏ, đơn giản hóa trong quý III/2019 theo như Nghị quyết 02/NQ-CP.

Đánh giá cao những nỗ lực bền bỉ trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh cởi mở và minh bạch hơn của Việt Nam, ông Peter Rimmer, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) cho biết, với các doanh nghiệp Anh Quốc, thương mại nông sản vẫn đang là lĩnh vực thu hút sự chú ý của nhiều công ty Anh. Việc xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang thị trường EU, trong đó có Anh, quốc gia EU chấp nhận giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Tuy nhiên, trong việc xuất khẩu nông sản từ các nước EU sang Việt Nam, quốc gia EU bất buộc phải cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Sản phẩm sau đó vẫn có thể bị giữ lại tại hải quan, đồng thời phát sinh chi phí lưu kho cho đến khi giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của Việt Nam được cấp. Điều này dần đến lãng phí thời gian và chi phí.

Giấy phép là yêu cầu bắt buộc để có thể nhập khẩu thực phẩm từ mộ quốc gia EU vào Việt Nam. Quá trình này có thể kéo dài tới vài tuần và yêu cầu thực hiện những thử nghiệm tốn kém cho mẫu phẩm. Giấy phép này chỉ được cấp cho một hình thức đóng gói của sản phẩm của một nhà sản xuất cụ thể, do đó, mỗi hình thức đóng gói sản phẩm khác nhau sẽ cần một giất phép riêng. Việc cấp giấy phép, nhập khẩu cho thực phẩm Việt Nam tại các quốc gia EU không yêu cầu thực hiện quy trình như trên.

Đại diện BBGV cho rằng, quy trình này là rào cản thương mại và khiến việc nhập khẩu vào Việt Nam trở nên chậm chạp, tiêu tốn thời gian, tốn kém và quan liêu, trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam không gặp phải những rào cản như vậy.

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng, ổn định xã hội

Nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, tránh tụt hậu và giảm khoảng cách giữa Việt Nam với các nước đang phát triển trong khu vực, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Đây là những điều kiện đủ để Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng, ổn định xã hội, đảm bảo nâng cao chất lượng tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô… Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp lớn. Cụ thể là:

Đầu tiên, giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị - xã hội ổn định. Đây là nhân tố quyết định để huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ổn định trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến không thuận lợi như hiện nay.

Thứ hai, Chính phủ cũng tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng nhất là các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Thứ ba, ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, đô thị, nông thôn để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, chú trọng giáo dục đào tạo, nhất là trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Thứ tư, Chính phủ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh hơn, thông thoáng để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Đặc biệt là cải cách hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sản xuất.

Thứ năm, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng sẽ là một trong những trọng tâm được đẩy mạnh. Qua đó, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu.

Cuối cùng, Chính phủ sẽ tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, tích cực hội nhập tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương với các khu vực phát triển trên thế giói. Đây chính là môi trường tốt để thúc đẩy sự phát triển theo hướng bền vững và cũng là động lực mới của Việt Nam phù hợp với bối cảnh quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động triển khai mô hình Chính phủ điện tử, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương cần bám sát nội dung, yêu cầu của Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng đánh giá hàng năm của Ngân hàng Thế giới; đặc biệt là với những chỉ số còn thấp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, Chính phủ đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho doanh nghiệp; tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm để cải cách thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch thông tin cho doanh nghiệp; có giải pháp phù hợp đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Đồng thời, cần có thông tin hiệu quả hơn tới cộng đồng về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, ký kết và thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ./.