Đây là khẳng định của ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham tại Hội thảo đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức ngày 1/7.

Tại hội thảo, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham cho biết, EuroCham hoan nghênh EVFTA đã chính thức được ký kết vào ngày 30/06/2019. Hiệp định này được thiết kế cho các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sang Việt Nam và ngược lại.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham phát biểu tại hội thảo.

Ông Nicolas cũng cho rằng, EVFTA là một minh chứng cho thấy, Việt Nam đang ngày càng nâng cao vị thế không chỉ ở trong khu vực ASEAN mà còn trên toàn thế giới. Lợi ích kinh tế mà EVFTA có thể mang lại là không thể bàn cãi trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, loại bỏ thuế quan, mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và người tiêu dùng EU và Việt Nam, nâng cao các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền lợi người lao động cũng như bảo vệ môi trường.

“Trong thời gian tới, việc thúc đẩy phê chuẩn và thực thi EVFTA nhanh chóng sẽ là mục tiêu trọng tâm trong các hoạt động của EuroCham”, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Cũng đánh giá về ý nghĩa của EVFTA đối với cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, EVFTA được ký kết có ý nghĩa rất to lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam và EU. Đây là hiệp định tốt nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay, đáp ứng cả 2 yêu cầu về tự do cao nhất và công bằng nhất.

Cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi sẽ có nhiều mô hình hợp tác giữa các doanh nghiệp EU và Việt Nam để EVFTA thực sự trở thành hiệp định tốt nhất, tạo nên sự phát triển mang tính đột phá, góp phần hoàn thiện khung khổ luật pháp, môi trường kinh doanh cũng như tạo bước nhảy vọt trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, EVFTA vừa là áp lực cũng vừa là động lực để cải cách thể chế, nhờ đó doanh nghiệp sẽ phát triển lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính vì vậy, để tận dụng những lợi ích kinh tế mà EVFTA mang lại, Chủ tịch VCCI đề nghị, Chính phủ cần có những cải cách thực chất, đặc biệt là vấn đề thể chế để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, bởi nếu một mình doanh nghiệp trên sân chơi thì rất khó để vượt qua khó khăn.

Còn về phía doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin và các điều kiện của Hiệp định. Như vậy, doanh nghiệp mới có cơ sở để cơ cấu lại sản phẩm, công nghệ, đối tác và thị trường; từng bước thâm nhập và cạnh tranh được ngay tại sân nhà và gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp...

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, EU là thị trường khó tính và đòi hỏi chất lượng cao về hàng hóa, đặc biệt là đối với xuất xứ hàng hóa và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính phủ Việt Nam đang có những biện pháp tích cực để hỗ trợ thực hiện hiệp định này. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, như: dệt may, da giày, xuất khẩu nông sản, thủy sản, đồ gỗ... cần có kế hoạch điều chỉnh lại cơ chế hoạt động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa./.