Tài liệu quan trọng cho nhà đầu tư

Tại buổi công bố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quyết định vào việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Nhìn nhận vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, gần đây, Đảng ta đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp trong 3 khu vực: (i) Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (10-NQ/TW năm 2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; (ii) Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (12-NQ/TW năm 2017) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; (iii) Nghị quyết Bộ Chính trị về hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ được ban hành trong một vài ngày tới trên cơ sở Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ kiến tạo và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong thời gian qua, Bộ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành một số chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp như: Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 139/NQ-CP năm 2018 ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp...

Việc ra đời và triển khai quyết liệt các nghị quyết này đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, tạo ra sự khích lệ lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Giai đoạn 2016-2018 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt mức kỷ lục, trung bình mỗi năm có gần 123 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số doanh nghiệp và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 03 năm trước đó.

Trong bối cảnh lực lượng doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, cùng với định hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, yêu cầu về công khai hóa thông tin doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Đây là tiền đề để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Việc hệ thống hóa và minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp còn phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời, phục vụ cho nhu cầu thông tin của chính doanh nghiệp khi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Để đáp ứng yêu cầu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức biên soạn và công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam thường niên và “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019” chính là ấn phẩm đầu tiên được công bố công khai ra toàn xã hội. Đây tiếp tục là sự khẳng định của Chính phủ, các bộ, ngành về việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn bằng những hành động cụ thể nhất.

Nội dung Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018, gồm 4 phần: (1) Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2018; (2) Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; (3) Các giải pháp phát triển doanh nghiệp; (4) Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 (Toàn quốc và địa phương). Đồng thời Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 cũng tôn vinh những doanh nghiệp có đóng góp tích cực nhất vào phát triển kinh tế của cả nước và các địa phương.

“Cuốn sách sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững và hiệu quả khối doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Đồng thời, cũng sẽ là các tài liệu quan trọng cho các cơ quan nghiên cứu, tài liệu tham khảo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong phân tích thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư…”, Bộ trưởng Dũng tin tưởng.

Đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp biên soạn, công bố ấn phẩm “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 là ấn phẩm quan trọng và cần thiết giúp Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cũng như các hiệp hội, nhà đầu tư có được thông tin phong phú với độ tin cậy cao để đánh giá sự phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp và theo địa phương. Từ đó giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển bền vững và hiệu quả doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 là ấn phẩm quan trọng và cần thiết

Tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Sách trắng

Với ý nghĩa quan trọng của Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị:

Đối với các bộ, ngành, sử dụng Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam hàng năm, trước mắt là năm 2019 là nguồn thông tin chủ yếu phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, đề xuất các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển doanh nghiệp hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin phục vụ biên soạn và hoàn thiện Sách trắng doanh nghiệp hàng năm.

Đối với các địa phương, coi sách trắng doanh nghiệp Việt Nam hàng năm là nguồn thông tin chủ yếu phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, đề xuất các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển doanh nghiệp của địa phương hiệu quả và bền vững...

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu , Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam hàng năm. Bảo đảm Sách trắng doanh nghiệp hàng năm ngày càng phong phú, có chất lượng, đáng tin cậy giúp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, người dùng tin trong nước và quốc tế có thông tin tốt nhất để hoạch định chính sách phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương hiệu quả và bền vững.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không ngừng hoàn thiện bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương trong biên soạn Sách trắng. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng công tác thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, biên soạn Sách trắng doanh nghiệp hàng năm kịp thời hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu cung cấp thông tin của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dùng tin trong nước và quốc tế.

Còn với các cơ quan thông tin, truyền thông, các biên tập viên, phóng viên, Phó Thủ tướng đề nghị sử dụng thông tin trong Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, qua đó tích cực tuyên truyền cho công tác phát triển doanh nghiệp của Đảng, Nhà nước. Kịp thời phát hiện, tuyên truyền những điểm sáng, tích cực trong phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương.

Đồng tình với những đề nghị của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp và có nhiều đóng góp hơn nữa để hoàn thiện Sách trắng trong thời gian tới./.