Lợi nhuận khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ chi phối

Doanh nghiệp tại Bình Dương tăng mạnh

Theo thông tin từ Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017.

Có 26/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 cao hơn bình quân cả nước. Trong đó: Bình Dương tăng 17,4%; Bắc Giang tăng 15,7%; Sóc Trăng tăng 15,4%; Bắc Ninh tăng 15%; Long An tăng 13,6%; Hưng Yên tăng 13,4%; Bạc Liêu tăng 13,2%; Vĩnh Phúc tăng 12,8%; Quảng Nam tăng 12,6%; Đồng Nai tăng 12,5%; Thanh Hóa tăng 12,2%…

37/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 thấp hơn bình quân cả nước, trong đó: Hà Giang tăng 0,3%; Bắc Kạn tăng 1,5%; An Giang tăng 1,9%; Cà Mau tăng 2,1%; Lai Châu tăng 2,6%; Hậu Giang tăng 3%; Nghệ An tăng 3,5%; Điện Biên và Vĩnh Long tăng 4%…

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có doanh thu lớn nhất

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 doanh nghiệp, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2016.

Năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016, tăng cao hơn tốc độ tăng nguồn vốn của doanh nghiệp (tăng 17,5%).

Theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ có quy mô lớn nhất về doanh thu thuần với khối lượng doanh thu thuần năm 2017 lần lượt là 10,46 triệu tỷ đồng, tăng 17,6% và 10,1 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2016. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 113 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,55% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 32,4% so với năm 2016.

Theo loại hình doanh nghiệp, tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2017 đạt 11,7 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 20,2% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,8 triệu tỷ đồng, chiếm 28,1%, tăng 20,6%; khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 15,1%, tăng 9,1%.

Theo địa phương, 10 địa phương có tốc độ tăng doanh thu thuần năm 2017 so 2016 giảm gồm: Bình Thuận giảm 8,3%; An Giang giảm 8,2%; Quảng Nam giảm 6,7%; Quảng Trị giảm 6,3%; Đăk Lăk giảm 3,9%; Cần Thơ giảm 2,4%; Sóc Trăng giảm 1,3%; Tiền Giang giảm 1%; Bình Định giảm 0,9% và Vĩnh Long giảm 0,1%.

Doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng thu lợi nhuận cao nhất

Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.

Theo khu vực kinh tế, năm 2017 khu vực công nghiệp và xây dựng có lợi nhuận chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp với 519,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,3% lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 16,4% so với năm 2016; khu vực dịch vụ tạo ra 352,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1%, tăng 35%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tạo ra 4,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6%, tăng 2,9%.

Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8% (trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo ra 124,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,2%, tăng 10,1%). Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 291,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%; khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.

Theo địa phương, có 30/63 địa phương có tốc độ tăng lợi nhuận cao hơn mức tăng bình quân cả nước. Những địa phương có tốc độ tăng lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2017 so với năm 2016 trên 100% gồm: Hưng Yên tăng 593,6%; Nam Định tăng 445,0%; Lào Cai tăng 329,4%; Thái Bình tăng 320,5%; Thừa Thiên - Huế tăng 156,3%; Quảng Bình tăng 126,9%; Lạng Sơn tăng 112,8%; Ninh Thuận tăng 111,6%.

13/63 địa phương có tốc độ tăng lợi nhuận năm 2017 so với năm 2016 thấp hơn mức tăng cả nước, trong đó: Đăk Nông tăng 0,4%; Thanh Hóa tăng 3,7%; Bình Dương tăng 4,7%; Hà Tĩnh tăng 8,7%... Có 14/63 địa phương có lợi nhuận giảm, trong đó: Cao Bằng giảm 97,6%; Lai Châu giảm 95,7%; Tuyên Quang giảm 95,1%; Hòa Bình giảm 75,5%; Long An giảm 64,2%; Bình Thuận giảm 62,7%; Nghệ An giảm 52,3%.../.