Doanh nghiệp Việt đang đối mặt với nhiều thách thức của nền kinh tế số

Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế số được xác định là một trong những trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho các quốc gia, đặc biệt là với một nước đang phát triển như Việt Nam. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số.

Phát biểu tại hội thảo, PGS,TS. Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt vẫn ở vị trí thứ yếu trong doanh thu kinh tế số. Đồng thời, doanh nghiệp Việt chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Theo điều tra của Bộ Công Thương, năm 2018, có tới 82% doanh nghiệp và tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp. Doanh nghiệp tuy háo hức với chuyển đổi số về hạ tầng và hậu cần, nhưng lại ít chuẩn bị về tài chính, chiến lược và sản xuất thông minh. Khảo sát công nghiệp chế tác trong Ueki (2019) cũng cho thấy, 35% doanh nghiệp Việt Nam chưa có kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho quản lý chuỗi cung ứng và 77% doanh nghiệp không chia sẻ dữ liệu về hoạt động nhà máy với khách hàng hoặc nhà cung ứng, mức áp dụng ICT cho giám sát sản xuất, hệ thống quản trị chuỗi cung cấp (SCM) và kiểm soát chất lượng (QCC), trong khi ở Thái Lan, con số này chỉ có 40%.

Hơn nữa, rủi ro xã hội do tình trạng mất việc làm là không nhỏ, khi hàng loạt nhà máy phải đóng cửa do nền sản xuất chuyển sang thời đại công nghệ mới. Chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng lao động này là rất lớn và cấp bách, trong khi nhiều nền kinh tế khó có năng lực đáp ứng.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

PGS,TS. Trần Đình Thiên nhận xét, trong vài năm trở lại đây, tinh thần “tiến quân” của Việt Nam vào Cách mạng Công nghiệp 4.0 lên rất cao. Việt Nam xem Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số là cơ hội lịch sử để tạo bứt phá phát triển, “bắt kịp” và “tiến cùng” thời đại. Hiện thực hóa cơ hội đó đòi hỏi Việt Nam phải đồng thời giải quyết hai bài toán phức tạp, khó khăn là “thoát cũ” và “xây mới” các nền tảng phát triển. Thế nhưng, Việt Nam có lại bỏ lỡ cơ hội vàng lần này không vẫn đang là một câu hỏi.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho biết, chiến lược Cách mạng Công nghiệp 4.0 cùng Chương trình hành động về chuyển đổi số đang được nghiên cứu, soạn thảo và sẽ được lồng ghép vào Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, một loạt các chương trình về xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch thông minh, xây dựng đô thị thông minh, lập nghiệp – khởi nghiệp sáng tạo cũng đang được các bộ, ngành và các tỉnh/ thành trong cả nước triển khai. Tuy vậy, cách thức triển khai công cuộc “tiến công” vào Cách mạng Công nghiệp 4.0 ít nhiều còn mang tính phong trào.

Hiện nay, Việt Nam có gần 700.000 doanh nghiệp tư nhân. Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hơn gấp đôi, từ 1.800 doanh nghiệp năm 2016 lên khoảng 4.000 vào năm 2018. Tuy nhiên, về tổng thể, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn “lượng nhiều, chất yếu”. Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 có thể đạt hay không, điều đó không quá quan trọng. Vấn đề then chốt là doanh nghiệp Việt Nam phải thực sự lớn và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước.

Doanh nghiệp cần xác định con đường và lộ trình chuyển đổi số

Chia sẻ về nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ, GS. Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản cho biết, câu chuyện thất bại của hãng máy ảnh Kodak và điện thoại Nokia do chậm chuyển đổi số, đã bị các hãng khác “vượt mặt” và đi đến thất bại luôn là bài học thời sự cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những câu chuyện thành công của ứng dụng đặt phòng trực tuyến Airbnb hay đặt xe Uber, Grab, hay một ví dụ khác như dịch vụ cho thuê thiết bị nông nghiệp của nền tảng Trringo do công ty ô tô Mahindra & Mahindra ở Ấn Độ… do nhanh nhạy nắm bắt ứng dụng công nghệ mới cũng là những điển hình để doanh nghiệp trong nước học hỏi.

GS. Hồ Tú Bảo cho rằng, đối với doanh nghiệp Việt Nam, phải nhận thức và tư duy mới do chuyển đổi số là câu chuyện sống còn. Do vậy, từ nhận thức mỗi doanh nghiệp cần xác định con đường, có lộ trình để chuyển đổi; xây dựng năng lực số bằng hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, văn hóa... Yếu tố thành công không phải ở công nghệ, mà phải bắt nguồn từ nhận thức và chiến lược của doanh nghiệp. Cùng với đó, vai trò của người lãnh đạo là rất quan trọng, người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Đồng thời, sẵn sàng về phương diện tổ chức, cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi.

Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, đối với các doanh nghiệp tinh thần kinh doanh vô cùng quan trọng, nhưng chưa đủ; thực tế rất cần một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến vai trò then chốt của vốn đầu tư mạo hiểm cùng điều kiện rút vốn; tư vấn có kinh nghiệm và những “vườn ươm công nghệ”. Cùng với đó là đảm bảo tốt quyền sở hữu trí tuệ.

Còn dưới góc độ quản lý nhà nước, TS. Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để kinh tế số, kinh tế chia sẻ vận dụng hiệu quả ở Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ, bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ; giải quyết vấn đề nảy sinh trong kinh tế chia sẻ như vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội. Đồng thời, nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.

Song song với đó, các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong điều hành quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện.../.