Hội nghị do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức vào sáng ngày 28/8 tại Hà Nội. Chương trình Hội nghị diễn ra với sự tham gia, đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGas).

Khu vực doanh nghiệp xã hội đang phát triển mạnh mẽ

Phát biểu tại hội nghi, PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, khái niệm doanh nghiệp xã hội là một loại hình doanh nghiệp mới xuất hiện ở Việt Nam và đã có những phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn tổ chức và doanh nghiệp có những đặc điểm của doanh nghiệp xã hội.

PGS, TS. Lê Xuân Đình phát biểu tại hội nghị.

Khu vực doanh nghiệp xã hội đã và đang hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường một cách bền vững. Nhiều doanh nghiệp xã hội với ý tưởng sáng tạo thành công đã góp phần giải quyết các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các nhóm yếu thế, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, 68% số doanh nghiệp xã hội có hoạt động hướng tới xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho nhóm người yếu thế thông qua giáo dục đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng và kiến thức.

Toàn cảnh hội nghị.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết thêm, doanh nghiệp xã hội được đăng ký theo Luật Doanh nghiệp năm 2014. Luật này đã có những quy định khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời, doanh nghiệp xã hội được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.

Theo ông Phan Đức Hiếu, doanh nghiệp xã hội khác với danh nghiệp thông thường, nếu như doanh nghiệp thông thường bắt đầu từ nhu cầu thị trường sau đó thiết kế sản phẩm và tổ chức kinh doanh để tạo ra lợi nhuận, thì doanh nghiệp xã hội lại bắt đầu từ những vấn đề xã hội, tìm ra giải pháp xã hội sau đó thiết kế sản phẩm và kinh doanh sản phẩm xã hội để tạo ra lợi nhuận. Do đó, việc phát triển doanh nghiệp xã hội cũng chính là giải pháp phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội là thúc đẩy phát triển bền vững.

Đánh giá về sự phát triển của các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) Việt Nam chia sẻ, Việt Nam có hệ thống sinh thái khởi nghiệp rất ấn tượng và phát triển nhanh chóng cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng, đầu tư theo cách bảo vệ môi trường và thúc đẩy hiệu quả xã hội không chỉ là một hành động nhân ái, từ thiện mà còn thể hiện sự hiểu biết kinh doanh tốt.

Bà Catherine Phương cho biết, năm 2015, Việt Nam có 40% doanh nghiệp tạo tác động xã hội được thành lập. Đến năm 2016 là năm bùng nổ đã có 72% doanh nghiệp tạo tác động xã hôi được đăng ký doanh nghiệp. Và các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn, như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp tạo tác động xã hội có quy mô nhân lực nhỏ (70% doanh nghiệp tạo tác động xã hội có dưới 20 nhân viên). Tuy nhiên, khu vực này gồm nhiều tầng lớp xã hội, với 74% công nhân đến từ nhóm người thiệt thòi trong xã hội và 90% là người dân địa phương…

Bà Catherine Phương cho biết, năm 2016 ở Việt Nam, 72% doanh nghiệp tạo tác động xã hôi được đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, PGS, TS. Lê Xuân Đình cho hay, hiện nay, hoạt động của các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: chưa có khung pháp lý đầy đủ cho doanh nghiệp hoạt động; thiếu vốn và kém về khả năng tiếp cận các nguồn tài chính do phần lớn doanh nghiệp xã hội đều có quy mô nhỏ và còn non trẻ; thiếu năng lực quản lý, chưa có nhiều kinh nghiệm và hình thức kinh doanh còn mới mẻ.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững

Do vậy, để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp xã hội một cách toàn diện và hiệu quả hơn PGS, TS. Lê Xuân Đình cho rằng, Chính phủ cần hướng tới xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi riêng biệt cho các doanh nghiệp xã hội, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xã hội gia nhập thị trường và hoạt động.

Bà Catherine Phương đề xuất, để doanh nghiệp tạo tác động xã hội phát triển bền vững, thứ nhất, cần ban hành chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn và các nguồn lực tài chính khác, như: tăng cường những biện pháp khuyến khích mạnh mẽ hơn sử dụng thuế giá trị gia tang và thuế thu nhập doanh nghiệp để phát triển khu vực doanh nghiệp xã hội; đồng thời, thiết lập các tiêu chí cụ thể để xác định các doanh nghiệp xã hội, qua đó cho phép ưu tiên tài chính hướng đến mục tiêu cụ thể hơn.

Thứ hai, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô doanh nghiệp tạo tác động xã hội; hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội tham gia vào các quy trình mua sắm công. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp xã hội và khu vực tư nhân rộng hơn; nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của khu vực doanh nghiệp xã hội.

Thứ ba, xây dựng năng lực thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp. Thiết lập các mô hình vườn ươm khởi nghiệp và mô hình tăng tốc khởi nghiệp cho các doanh nghiệp xã hội.

Thứ tư, tăng cường phối hợp để thúc đẩy đào tạo về khởi nghiệp và sáng tạo xã hội thông qua các cơ sở giáo dục.

Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội của mình, bà Tần Thị Su, Giám đốc Sapa O’Chau cho biết, bản thân là một người dân tộc thiểu số, cuộc sống khó khăn, bị cản trở về ngôn ngữ. Khi còn bé hàng ngày phải đi bán hàng rong để kiếm tiền cảm thấy cuộc sống rất cực khổ. Chính từ những khó khăn đó đã thôi thúc Bà phải làm cái gì đó, phải kiếm tiền trên mảnh đất văn hóa của mình, trên những sản phẩm của mình làm ra. Để trước hết là vì chính bản thân, sau là giúp đỡ những người dân tộc, những người dân địa phương tạo công ăn việc làm cho họ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, thúc đẩy giáo dục cho người dân tộc thiểu số.

Bà Tần Thị Su chia sẻ về những khó khăn khi khởi nghiệp.

Để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững, bà Tần Thị Su đề xuất, Chính phủ cần có chính sách phù hợp với địa phương, ưu tiên về đất đai, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân địa phương khởi nghiệp./.