Đây là nhận định của bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại buổi Tọa đàm Kết nối thương hiệu Việt do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 29/11, tại Hà Nội.

Thương hiệu là giá trị vô hình trong doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS, TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh tầm quan trọng của thương hiệu, không chỉ là biểu trưng cho quốc gia, mà còn là giá trị vô hình trong doanh nghiệp.

Theo đánh giá thế giới, các thương hiệu chiếm khoảng 35% giá trị của doanh nghiệp. Mấy năm gần đây tổ chức quốc tế của Anh đã xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất, thì thương hiệu Việt Nam tăng 12 tỷ so với 2018 và xếp thứ 42. Giá trị thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Chúng ta khi đánh giá thương hiệu Việt Nam nhìn vào mảng tối rất quan trọng, nhưng cũng phải nhìn vào những mảng sáng.

GS, TSKH. Nguyễn Mại cho biết, chúng ta ít khi quan tâm tới mô hình thành công của thương hiệu mà Việt Nam đã tạo ra. Ví dụ, Vingroup là một thành công. Khi chúng ta biết Thái Lan mua lại Big C, Metro là nguy hiểm, với chiết khấu tăng mạnh, không doanh nghiệp Việt nào đưa hàng vào được. Cho đến khi Vinmart ra đời, đưa ra chiết khấu 0%, thì đã đánh bại BigC, Metro. Và người ta thấy nông dân Việt Nam không cần Big C và Metro nữa.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Cũng tại buổi tọa đàm, Bà Đặng Thanh Vân, Chủ tịch Công ty Cổ phần Thương hiệu và Quản trị Thanhs chia sẻ, hiện các doanh nghiệp lớn hiểu biết rất sâu về vấn đề xây dựng thương hiệu và dành ngân sách đáng kể cho hoạt động này, trong khi các doanh nghiệp cỡ nhỏ gần như chưa chú trọng, dù họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền, lên tới 50% doanh thu cho quảng cáo online.

Bà Vân dẫn chứng, có doanh nghiệp có thể coi là nhỏ, chỉ với 5-10 nhân lực, nhưng doanh thu tới 1.000 tỷ đồng, chạy quảng cáo đến 300 tỷ đồng trên Google và Facebook. Còn với các doanh nghiệp cỡ vừa, một khảo sát gần đây của Công ty cho thấy, các doanh nghiệp cỡ vừa trung bình chi 33% tổng chi quảng cáo - truyền thông vào công tác xây dựng thương hiệu, trong khi khối doanh nghiệp lớn là 25%, doanh nghiệp nhỏ là 10% và siêu nhỏ 5%.

Chỉ ra một số khó khăn lớn trong xây dựng thương hiệu, bà Đặng Thanh Vân cho rằng, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn xây dựng thương hiệu cũng rất bối rối với không ít rào cản, mà quan trọng nhất là không tập trung xây dựng năng lực cốt lõi làm lợi thế cạnh tranh, không có bộ phận có đủ năng lực xây dựng chiến lược. Một điểm yếu nữa là trong việc xây dựng thương hiệu Việt khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp còn hạn chế.

Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong vấn đề thương hiệu Việt, như: quy mô nhỏ, đơn lẻ; vấn đề chất lượng, an toàn; năng lực chế biến; khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, việc kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và thương mại hiện nay còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp Việt còn yếu và thiếu năng lực phát triển thương hiệu. Nếu nhận thức thương hiệu là công cụ kinh doanh, thì doanh nghiệp phải biết mài sắc nó.

Theo ông Vũ Xuân Trường, nguyên nhân thương hiệu Việt còn yếu trước hết là do thiếu vai trò của các hiệp hội và ngành hàng. Thứ hai, tuy hệ thống pháp luật tốt, đầy đủ, nhưng việc thực thi và ý thức người làm kinh doanh thì lại đang có vấn đề. Tiếp nữa là vấn đề kiềng 3 chân giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Ông Trường đề xuất một số giải pháp cho câu chuyện kết nối thương hiệu Việt, đó là: Thứ nhất, ứng dụng công nghệ thương hiệu Việt, như: phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; gia tăng tốc độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh ngành hàng; Thứ hai, là kết nối tam giác nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Tiếp cận với khái niệm thương hiệu chủ lực, từ ngành hàng chủ lực đến sản phẩm chủ lực đến thương hiệu chủ lực. Thứ ba, Nhà nước cần chủ động định hướng và hỗ trợ xây dựng những thương hiệu chủ lực, làm đầu tầu phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ có thể thực hiện chiến lược núp bóng ông lớn, đứng dưới bóng người khổng lồ.

Bài học từ những ông lớn

Chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp mình, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, ngay từ đầu, Vingroup đã ý thức việc xây dựng thương hiệu. Trong top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, có 3 thương hiệu của Vingroup góp mặt là Vinhomes, Vincom Retail, Vincommerce hiện có giá trị nhiều triệu USD. Bản thân Vingroup luôn đặt mình ở vị trí hàng đầu, luôn cố gắng vươn lên chiếm lĩnh vị trí tiên phong, đồng thời dẫn dắt các thương hiệu khác cùng vươn lên. Bởi, nếu chỉ có 1 doanh nghiệp, thì Việt Nam khó mà phát triển được và các doanh nghiệp cần đồng hành cùng nhau.

Còn đối với lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Khắc Hiệp chia sẻ, Vineco lúc đầu chỉ xây dựng 1 mình, nhưng sau đó đã điều chỉnh để liên kết với các doanh nghiệp và nhà sản xuất lớn tại Việt Nam. Hiện Vingroup đang liên kết với khoảng 1.000 doanh nghiệp và nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc liên kết cũng cần đặt ra những cam kết, nếu họ làm đúng quy trình, sản phẩm luôn tốt, thì Vingroup sẽ đưa sản phẩm của họ vào hệ thống Vinmart tiêu thụ.

Hiện nay, có hơn 250 thương hiệu đang tham gia vào chuỗi hệ thống siêu thị Vinmart, được hỗ trợ về mặt công nghệ, vốn, đặc biệt Vingroup bán hàng không thu chiết khấu.

Cũng chia sẻ về việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, quan điểm của Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp muốn phát triển, thì không thể đi 1 mình mà cần có sự hợp tác từ phía các nhà cung ứng. Là một đơn vị tiêu dùng, Tân Hiệp Phát luôn coi người tiêu dùng là vấn đề cuối cùng để tìm cách giải quyết và cũng đã có sự thay đổi trong tư duy, trước đây nhà cung cấp chỉ là mua đứt bán đoán, sau này là đối tác. Có nghĩa là, cần có sự chung tay xây dựng đạo đức kinh doanh, nếu phải chia hoa hồng cho ai đó, thì vẫn phải cắt ra trong chi phí từ sản phẩm, vì thế cần xây dựng môi trường có sản phẩm tốt cho người tiêu dùng chứ không phải chi có lợi nhuận tức thời.

Bà Trần Uyên Phươngcho rằng, doanh nghiệp muốn phát triển không thể đi một mình.

Bà Phương cũng cho biết, để trở thành công ty top 10 châu Á trong ngành giải khát và thực phẩm, Tân Hiệp Phát quan niệm rằng muốn phát triển không thể đi một mình. Với Tân Hiệp Phát thương hiệu là đầu tư vì nó phải mang lại lợi ích. Nếu không định hình được giá trị cuối cùng của thương hiệu đó là gì, thì chỉ là nhận biết thương hiệu chứ không phải là giá trị thương hiệu.

Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank cũng cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Ông lấy ví dụ, ra nước ngoài người ta biết đến Phở Việt Nam, nhưng nếu hỏi về doanh nghiệp Việt thì chưa ai biết. Chúng ta chưa làm được những thương hiệu lớn, như: Huyndai, Kia của Hàn Quốc; Toyota của Nhật... Chính vì vậy, thương hiệu chính là vũ khí kinh doanh lợi hại nhất.

Ông Trung cho biết, trước khi người ta biết đến sản phẩm, thì thứ người ta quan tâm nhất về thương hiệu. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu sao cho hiệu quả, thì không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được. Bản thân HDBank đã ra đời 30 năm, song cũng chỉ mới tập trung làm thương hiệu từ 10 năm trở lại.Ông Trung cho rằng, quan trọng nhất trong làm thương hiệu là tính độc đáo, sáng tạo, khác người. Đặc biệt, HDBank rất tích cực bắc nhịp cầu kết nối thương hiệu Việt bằng chính sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.

“Trong 8 triệu khách hàng mà HDBank đang phục vụ, có hơn 37.500 khách hàng là doanh nghiệp đang trải nghiệm thương hiệu HDBank và đồng hành HDBank cùng vươn tới những giá trị to lớn”, ông Trung chia sẻ./.