Đây cũng chính là mục đích của buổi Hội thảo về “Cơ hội tài trợ DNNVV công nghiệp hỗ trợ của ngành ngân hàng” được tổ chức ngày hôm nay (12/4).

Buổi Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Tài trợ DNNVV do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Hiện nay, nhóm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có 3 nhóm, là: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và DNNVV.
Trong 3 nhóm trên, DNNVV là nhóm doanh nghiệp chiếm số đông (chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động), tạo ra nhiều giá trị và năng động hơn cả, song lại gặp nhiều khó khăn và chính sách trợ giúp chưa phát huy hiệu quả nhiều.

Theo ông Đào Văn Hà, Giám đốc Ban Quản lý Dự án tín dụng quốc tế ODA, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phát triển công nghiệp phụ trợ đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, hy vọng là làm thay đổi bộ mặt của Việt Nam trong những năm tới, bởi giá nhân công rẻ hiện nay không còn là lợi thế của Việt Nam. Các nhà đầu tư đang chuyển dịch theo hướng hỗ trợ tốt nhất cho thị trường và sản phẩm, chính vì vậy nâng cao khả năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ thông qua các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Buổi hội thảo với mục đích nhằm nhận diện những khó khăn, đồng thời đưa ra giải pháp chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Kyoshiro Ichikawa, Trưởng nhóm Công tác 4-1, Sáng kiến Chung Việt Nam – Nhật Bản, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực rất quan trọng trong ngành công nghiệp, bởi nó sản xuất và chế biến nguyên vật liệu, các cấu kiện, bộ phận và các bán thành phẩm nhằm cung cấp cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp máy móc, công cụ sản xuất hoặc hàng tiêu dùng.

Nếu như tỷ lệ nội địa hóa của công nghiệp hỗ trợ của các nước Thái Lan là 56%, Malaisia là 45%, Indonesia 43% thì tỷ lệ này ở Việt Nam còn khá thấp, chỉ là 22,4%.

Hiện nay công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực, như: sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp điện/điện tử, dệt may, da giày, công nghệ cao…

Chính phủ Việt Nam cũng đã tạo điều kiện về ban hành chính sách để hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp này, như Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 về khái niệm công nghiệp hỗ trợ, Quyết định 1483/2011/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 xác định các ngành và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, Công văn 9734/BCT-CNg ngày 20/10/2011 về thủ tục đăng ký chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ và thẩm quyền chấp nhận áp dụng các biện pháp khuyến khích.

Theo ông Ichikawa, các kế hoạch hành động phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam cần tập trung vào 3 kế hoạch sau:

Kế hoạch 1: hỗ trợ tài chính. Khoản vay này bao gồm 2 bước: người vay là các ngân hàng thương mại và người vay cuối cùng là các DNNVV do Chính phủ Nhật (JICA) tài trợ.

DNNVV có thể vay tiền từ các ngân hàng để tài trợ việc mua sắm máy móc thiết bị.

Hai điểm lưu ý trong vấn đề tài chính, là cần cải thiện năng lực thẩm định của các ngân hàng đối với các DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cần thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng.

Kế hoạch 2: Phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV

Với vị trí quản lý, Trung tâm Văn hóa Việt – Nhật hiện nay đã tổ chức khóa học kinh doanh cao cấp, đến nay, số học viên là 64 người, trong đó có 17 người đến từ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Với vị trí trung bình, các kỹ sư có kiến thức và trình độ khá được đào tào từ Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Với vị trí công nhân, Bộ Công Thương và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có kế hoạch cải tiến trung tâm dạy nghề với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Kế hoạch 3: Thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích công nghiệp hỗ trợ dựa trên các quy định pháp luật, trong đó rõ nhất là Thông tư 96.

Về phát triển khu công nghiệp cho công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Việt nam có kế hoạch phát triển khu công nghiệp cho công nghiệp hỗ trợ và các công ty Nhật Bản. Mặt khác các công ty tư nhân xây dựng các nhà máy tiêu chuẩn với quy mô nhỏ và cho các DNNVV Nhật Bản thuê.

Cuối cùng, ông Ichikawa khuyến nghị cho các DNNVV công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 4 điểm mấu chốt sau:

Một là, các doanh nghiệp này cần đề cao chất lượng, thời gian giao hàng và chi phí sản phẩm.

Hai là, kinh doanh cần dựa trên kế hoạch dài hạn, đảm bảo giữ chữ tín trong kinh doanh.

Ba là, khi kinh doanh với các doanh nghiệp Nhật cần phải rất tích cực.

Bốn là, cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp thông qua thành lập hiệp hội và các hoạt động tương tự./.