Có hỗ trợ…

Vai trò và vị thế của DNNVV lại một lần nữa được mang ra mổ xẻ tại hội thảo về “Cơ hội tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa công nghiệp hỗ trợ của ngành ngân hàng” được tổ chức ngày 12/4.

Theo Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), tính đến 31/12/2012, DNVVN chiếm 97,5% tổng số DN đang hoạt động. Số DNNVV tăng bình quân 21,5%/năm với doanh thu bình quân tăng 29,6%/năm, đóng góp ngân sách nhà nước tăng 45,4%/năm.

Tuy nhiên, các DN này đang phải đối mặt với những khó khăn chính gồm: Khả năng tài chính và nguồn vốn hạn chế; chất lượng nhân lực thấp, kỹ năng, năng lực quản trị kinh doanh hạn chế; chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ và chưa đến được doanh nghiệp; trình độ công nghệ, kỹ thuật thấp; hàng tồn kho nhiều..

Thực tế, Chính phủ cũng rất quan tâm tới sự phát triển của DNNVV. Thống kê cho thấy, hiện đã có một khung pháp lý hỗ trợ DNNVV gồm: Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV; Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 5/5/2010 về việc triển khai thực hiện Nghị định 56/2009/NĐ-CP; và các kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm (giai đoạn 2006-2010, giai đoạn 2011 - 2015).

Bên cạnh đó, các nhóm chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV cũng được hoàn thiện như: Cải cách quy định gia nhập thị trường cho DN, hợp nhất hồ sơ đăng ký‎‎ kinh doanh và đăng ký thuế; giảm thời gian thực hiện thủ tục đăng ký‎ kinh doanh và đăng ký thuế từ 15 ngày xuống còn 5 ngày.

Hiện nay, việc hình thành Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương đã được 13/63 tỉnh, thành triển khai với tổng số vốn điều lệ của các quỹ lên tới 575 tỷ đồng. Quỹ bảo lãnh tín dụng ra đời đã tạo thêm kênh hỗ trợ tài chính cho DN góp phần tạo điều kiện cho các DNNVV vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Nhưng, mới dừng ở “trên giấy”

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các chính sách hỗ trợ thì nhiều, nhưng mới chỉ dừng ở… “trên giấy”, vì nhiều lý do chưa thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Thống kê của ông Đào Văn Hà - Giám đốc Ban Quản lý các dự án Tín dụng Quốc tế ODA cho thấy, có khoảng 30% DNNVV vay được vốn từ ngân hàng, 90% không tiếp cận được vốn vay ưu đãi, 42% doanh nghiệp không thể vay vốn, 71% vay vốn lãi suất cao trên 17%. Những con số này được rút ra từ cuộc khảo sát gần 8.000 DN của tổ chức này.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc ra đời Quỹ bảo lãnh tín dụng từ năm 2001 đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, hoạt động của quỹ cho đến nay vẫn còn rất nhiều bất cập. Chẳng hạn các Quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương hoạt động rất đơn điệu, rời rạc, chưa thực sự tạo được lợi thế mà chính sách đưa ra cũng như chưa giải quyết được vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, quy mô bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng ở Trung ương cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất hạn chế.

Qua khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho thấy, 55% trở ngại do thủ tục vay (hồ sơ vay vốn phức tạp, không đủ thủ tục vay vốn đơn giản cho các DNNVV); 50% trở ngại yêu cầu thế chấp (thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp, ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp như hàng trong kho, các khoản thu…); 80% tỷ lệ lãi suất chưa phù hợp; Các điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với DNNVV.

Cần sự tâm huyết khi “trợ lực” cho DNNVV

Có thể thấy, ở Việt Nam, có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng còn rất chung chung. Điểm ra những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DNNVV thì mới chỉ “trên đầu ngón tay”.

Đặc biệt, những chương trình, chính sách về vốn của Nhà nước đối với DNNVV thực tế, lại rơi vào các DN lớn. Do đó, cần phải xem xét lại cách tiếp cận, vị thế và vai trò của DNNVV, từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, trực tiếp đến khối doanh nghiệp này.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, ngay từ năm 1953, nước này đã có chính sách chống tập trung hóa nền kinh tế. Tức là chống tập trung vốn vào một vài DN lớn, khuyến khích cho phát triển DNNVV lành mạnh. Cho đến thời điểm này, Nhật Bản vẫn luôn coi các DNNVV là xương sống của nền kinh tế.

Ngoài ra, để giải quyết các khó khăn cho DNNVV, đặc biệt là vấn đề vốn, theo các chuyên gia kinh tế, các địa phương cần lập nhóm nghiên cứu để giải quyết vướng mắc để các DN, nhất là DNNVV có thể tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Hiện, hệ thống cơ quan trợ giúp phát triển DNNVV còn thiếu và yếu, chưa hình thành đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước của tỉnh, thành phố trong lĩnh vực phát triển DNNVV còn thiếu, năng lực hạn chế .

Vì thế, việc cần thiết là phải tuyển chọn được nhân sự của hệ thống cơ quan trợ giúp là những người tâm huyết, trăn trở với sự phát triển DNNVV, như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một cuộc hội thảo về DNNVV cách đây gần một năm về việc thành lập các đơn vị hỗ trợ DNNVV cấp tỉnh: “Tôi đề nghị các Sở cần chọn người đứng đầu các đơn vị về xúc tiến phát triển doanh nghiệp phải là những người tự bản thân họ đã có nhiệt huyết, có quyết tâm”./.