Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV GAS), Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO); Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank).

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Việt Nam; Ông Bjorn Savlid – Bí thư thứ hai, Trưởng đại diện Cơ quan Đầu tư Thương mại Thụy Điển; Bà Nguyễn Lê Vinh – Đại diện Viện chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp – Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Đức Thuận – Phó Chủ tịch thứ nhất Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam; Ông Đỗ Mạnh Dũng – Phó Tổng giám đốc, Công ty Schneider Electric Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; ThS. Vũ Xuân Trường – Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; Ông Phạm Việt Dũng – Tổng biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp chưa định hướng được chính sách, chiến lược phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Việt Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam nhấn mạnh, sự phát triển bền vững đã trở thành tiêu chí hàng đầu, trọng tâm và sự lựa chọn của Chính phủ, các tổ chức, hiệp hội và là cái gốc để doanh nghiệp tiến nhanh, tiến xa hơn trong hành trình chinh phục các thị trường. Phát triển bền vững đòi hỏi kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, gìn giữ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Việt Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Năm 2018 là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, sau nhiều năm đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng GDP trên 7%, ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, đạt mức kỷ lục trên 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký lên tới 1,4 triệu tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có nhiều biến động, đạt mức 36,3 tỷ USD vốn đăng ký và 19,1 tỷ USD vốn thực hiện, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, 11 tháng đầu năm 2019 cho thấy, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt.

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như: CPTPP, FTA với EU là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.

Ông Phạm Việt Dũng cho rằng, nhìn nhận một cách toàn diện, thì hiện nay còn rất nhiều doanh nghiệp hiện chưa định hướng được chính sách, chiến lược để hướng tới sự phát triển bền vững; chưa rõ mục tiêu kinh doanh của mình, hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và giải phóng sức lao động cho đội ngũ lãnh đạo; chưa xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp, chưa có sự đổi mới, sáng tạo, đi theo lối mòn.

Toàn cảnh diễn đàn.

Cũng tại diễn đàn, bà Nguyễn Lê Vinh, Viện Chiến lược phát triển cho biết, thời gian qua, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước đang giảm dần, năm 2018 chỉ chiếm 0,44% tổng số doanh nghiệp cả nước, song vẫn chiếm thị phần quan trọng, đóng góp khoảng 28% trong GDP. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa tạo được động lực đối với nền kinh tế, vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế còn mờ nhạt, tiến độ thoái vốn chậm.

Còn đối với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, bà Vinh cho biết, khu vực doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ áp đảo lên tới 96,7% tổng số doanh nghiệp, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh dần được nâng lên, hình thành được một số tập đoàn tư nhân có quy mô lớn… Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp ngoài nhà nước còn thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm thấp. Đặc biệt, các doanh nghiệp thiếu liên kết với nhau, chưa đáp ứng chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu và hội nhập quốc tế.

Cần đổi mới hệ thống quản trị, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp

Để khắc phục những khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu các thực tiễn quốc tế về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để lồng ghép ở mức độ thích hợp, có lộ trình vào khung chính sách của Việt Nam. Cùng với đó, tăng cường đối thoại, tham vấn thực chất với doanh nghiệp về các quy định, thông lệ chính sách có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần nâng cao hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm về phát triển bền vững gắn kết với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, chủ động cân nhắc, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp hơn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững, đặc biệt là các cam kết về xã hội, môi trường gắn với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, để hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đổi mới hệ thống quản trị theo những mục tiêu cụ thể, đó là: nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sáng tạo đổi mới công nghệ, nhằm tăng năng xuất lao động, chú trọng sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; nâng cao nhận thức về nhà nước pháp quyền trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp phải coi pháp luật là một công cụ quan trọng trong toàn bộ hệ thống quản trị của mình.

Đồng thời, tham gia đóng góp vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng nói chung và trong mọi hoạt động doanh nghiệp nói riêng. Để thực hiện tốt những mục tiêu trên, doanh nghiệp cần tập trung vào một số kỹ năng quan trọng, như: quản trị tài chính, quản trị nguồn nhân lực, quản trị marketing, quản trị rủi ro…/.