Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hội nhập, hiệu quả, bền vững, diễn ra ngày 23/12, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, đồng thời, chủ động đổi mới chính mình, nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng cơ hội Cách mạng Công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA.

Kết hợp các ngành nghề, các hiệp hội để tạo nên các giá trị lớn hơn

Đại diện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết, kết thúc năm 2019, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam chính thức chinh phục con số 11 tỷ USD xuất khẩu. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của nông nghiệp, ngành gỗ ngày càng chiếm tỷ trọng cao và trở thành nguồn đóng góp quan trọng, tăng trưởng bền vững ở mức hơn hai con số đều trong suốt 20 năm qua, hơn 18% trong năm 2019, đây là mức tăng cao nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, ông Khanh cho biết, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn, đó là:

Thứ nhất, thách thức xây dựng nguồn nguyên liệu bản địa. Nhờ chủ động liên kết với lâm dân, các doanh nghiệp trồng rừng các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước đã tổ chức được nguồn nguyên liệu chủ động và nhờ liên kết này mà lâm dân cải thiện được đời sống, các lầm trường an tâm hơn khi theo đuổi kinh tế lâm nghiệp.

Nhưng, thực tế vẫn nghi nhận chuyện lâm dân “bán lúa non”, chấp nhận thu hoạch sớm cho việc băm làm dăm gỗ dù giá bán rẻ hơn. Thách thức này cho thấy, việc quy hoạch gia tăng giá trị cho các loại gỗ rừng trồng cần phải được tổ chức lại với các nhìn dài hơi hơn.

Bên cạnh đó, để có thể gia tăng giá trị cho các loại gỗ rừng trồng, lâm nghiệp Việt Nam sẽ phải tổ chức tốt hơn trong việc nâng cao chất lượng nguyên liệu bằng cách lựa chọn giống tốt, áp dụng các kỹ thuật trồng cũng như tuyên truyền cho lâm dân kéo dài tuổi thọ trồng rừng. Để làm tốt công tác này, nhà nước cũng cần mạnh dạn triển khai những chương trình tín dụng để lâm dân có điều kiện theo đuổi công tác trồng cây lâu năm... sự vào cuộc các viện giống cây trồng.

Thứ hai, trong quy hoặc nguồn nhân lực, ông Khanh cho biết, ngành chế biến gỗ đang có khoảng 500 ngàn nhân lực đóng góp cho sự phát triển của hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chưa kể, còn hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, chỉ có khoảng 30% lao động được đào tạo nghề, đa số là lao động phổ thông. Ngoài việc không được đào tạo chuyên môn, thì thể lực lao động Việt Nam vẫn yếu, sức bền trong công việc không tốt.

Thứ ba, khai thác giá trị gia tăng cao hơn. Theo ông Khanh doanh nghiệp phải hội tụ được các yếu tố mà chúng ta chưa tốt, đó là thiết kế, thương hiệu, phân phối thương mại. Nhưng trên hết, là việc thay đổi tầm nhìn, định hướng dài hạn. Doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang làm rất tốt khâu sản xuất, nhưng lại vướng hạn chế nhược tiểu, không dám vươn mình ra biển lớn.

Thứ tư, ông Khanh cho rằng cần phát triển hệ sinh thái. Trong xu hướng kết hợp đa vật liệu của thế giới, ngành chế biến gỗ không còn gói gọn trong một ngàn, mà đã là tổng hoà của rất nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, sự kết hợp giữa các ngành nghề, các tổ chức… là rất cần thiết trong việc phát triển hệ sinh thái cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên theo ông Khanh, hiện nay tư tưởng cục bộ địa phương đã làm giảm khả năng phát huy được sức mạnh cốt lõi từng hiệp hội. Bên cạnh đó, việc chưa có quy hoạch ngành cũng đang phổ biến ở bất cứ ngành nào dẫn đến việc khó tổ chức được chuỗi giá trị, không phát huy mô hình tích hợp gắn kết.

“Nếu biết kết hợp các ngành nghề, các hiệp hội cùng ngồi lại với nhau sẽ tạo nên các giá trị lớn hơn. Hiệp hội gỗ đề xuất nhà nước nhanh chóng tiến hành xây dựng một trung tâm triển lãm quy mô quốc tế, xứng tầm để phát triển thế mạnh của từng điạ phương nhưng vẫn tổng hoà được các giá trị của các ngành nghề, từ đó cùng làm nên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam bền vững”, ông Khanh đề xuất.

Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, 2019 là năm đặc biệt khó khăn của ngành Dệt May Việt Nam, với nhiều biến động trên thị trường không dự báo trước, và kéo dài hơn dự kiến. Xung đột thương mại Mỹ Trung đã làm tổng cầu dệt may 2019 chỉ tăng 3.3% so với mức tăng 7.4% năm trước. Trong 5 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới thì Trung Quốc giảm 2.3%, Pakistan giảm 4.6%, Ấn Độ tăng 1.4% và Bangladesh tăng 2.4% trong khi Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng 7.3%, khoảng cách KNXK với nước đứng thứ 2 giảm từ 4.6 tỷ USD năm 2018 về còn 2.8 tỷ USD năm 2019.

Bên cạnh tổng cầu giảm, điểm khó khăn lớn hơn là xu thế kinh doanh ngắn hạn, phòng thủ trước các diễn biến khó lường về chính sách thương mại quốc tế, đơn hàng đặt ngắn hạn, khó tối ưu kế hoạch và chi phí dẫn tới hiệu quả suy giảm dù vẫn có tăng trưởng về doanh thu.

Theo ông Trường, trong bối cảnh đó, các yêu cầu ngoài giá, chất lượng, tiến độ như thông thường, nhiều yêu cầu mới được các nhà mua hàng lớn đặt ra như là rào cản để sàng lọc và tái cấu trúc hệ thống cung ứng toàn cầu. Cụ thể là các tiêu chí về môi trường, sản xuất xanh, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo được, như: nước, điện, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế.

Cùng với đó là các yêu cầu về quy tắc xuất xứ từ sợi và vải để có thể có được lợi ích thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, áp lực về lao động và tiền lương do Việt Nam là nước có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao, tỷ giá ổn định đã không còn lợi thế là nước có nhân công rẻ so với các nước cạnh tranh.

Ông Trường cũng cho biết, từ các đặc điểm mới của thị trường dệt may thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu và các đặc điểm riêng của Việt Nam, ngành dệt may xác định các mục tiêu của năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2020-2025, đó là: duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 5 năm tới ở mức 6%, riêng 2020 mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 41,5-42 tỷ USD. Thực hiện chiến lược xanh hoá ngành Dệt May Việt Nam.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng môi trường làm việc và thu nhập cho người lao động. Ứng dụng có hiệu quả các thành tựu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mục tiêu 2025 kim ngạch xuất khẩu tăng lên 55-60 tỷ USD nhưng số lượng lao động duy trì ở mức như hiện nay (2,5 triệu lao động công nghiệp), năng suất lao động trên đầu người tăng 150%.

Để đạt được những mục tiêu trên, ông Trường kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ trở lại cho các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Ví dụ, như: hoàn lại thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp cho lợi nhuận sau đó được sử dụng đầu tư mới theo hướng sản xuất xanh, không thu thuế giá trị gia tăng của các chi phí đầu tư, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5-10 năm.

Quy hoạch khu công nghiệp dệt may quy mô 300-500ha 1 khu, số lượng khoảng 10 khu trên cả nước, có đầu tư đủ hạ tầng về xử lý môi trường để các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất vải phục vụ chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, có chính sách không thu thuế VAT khi sử dụng nguyên liệu nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu. Xem xét có khả năng cho vay lưu động bằng ngoại tệ với các doanh nghiệp có xuất khẩu thu ngoại tệ tương ứng. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hoá, giảm chi phí vận tải nội địa, chi phí kho bãi, kiểm hoá…

Khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao

Ở một lĩnh vực khác, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Central Group cũng cho biết, là nhà bán lẻ đa ngành, Tập đoàn Central Group hiện đang kinh doanh các mảng siêu thị thực phẩm, phi thực phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang… Tập đoàn cam kết xây dựng môi trường bán lẻ lành mạnh và chủ động với tỷ lệ hàng Việt luôn đạt 90%.

Bà Phương cũng cho biết, Central Group không chỉ quan tâm phát triển các sản phẩm lợi thế, mà còn tập trung vào nhóm sản phẩm tiềm năng và tập trung hỗ trợ nhóm đối tượng người có công là nông dân, hợp tác xã, các đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu và phát triển bền vững qua các chương trình hành động cụ thể, như: Chương trình hành động để đồng hành cùng Chính phủ phát triển kinh tế, đặc biệt là đồng hành cùng OCOP – Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; luôn luôn gắn liền hoạt động kinh doanh với các hoạt động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Song, bà Phương cho biết, hiện nay, Tập đoàn cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là: khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng bán lẻ và giá mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi đó hiệu suất kinh doanh trên mỗi m2 diện tích lại thấp hơn. Bên cạnh đó, nguồn nhân sự chất lượng cao luôn luôn khan hiếm. Chi phí tuyển dụng nhân sự đầu vào rất cao. Để có nguồn nhân sự của mình, Tập đoàn luôn phải xây dựng các chương trình đào tạo tại Việt Nam đổi mới để phù hợp với thị trường. Chương trình trao đổi nhân sự giữa các nước trong Tập đoàn để chia sẻ và học hỏi thêm kinh nghiêm.

Thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công cho biết, tính đến tháng 6/2019, cả nước đã có 98 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.880MW được đưa vào vận hành, chiếm gần chiếm 9% tổng công suất nguồn điện cả nước; trong đó, có 89 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất gần 4.440MW. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850MW điện mặt trời).

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, sự phát triển quá nhanh này dẫn đến nhiều bất cập, vướng mắc trong công tác triển khai các dự án Điện Năng lượng tái tạo, như: vấn đề nhân sự vận hành, công tác quản lý vận hành, quá tải hệ thống truyền tải điện quốc gia …

Do đó, Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công kiến nghị đến Chính Phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành cơ chế giá điện khuyến khích điện mặt trời sau 30/06 để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục khai thác tối ưu nguồn năng lượng từ mặt trời để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện ngày càng gia tăng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc của Luật quy hoạch đối với hoạt động bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo để thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển.

Ngoài ra, cải thiện hệ thống truyền tải của lưới điện quốc gia đáp ứng được nhu cầu giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời đang triển khai đầu tư khi vận hành hòa lưới.

Nâng cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau vươn ra biển lớn

Sau khi lắng nghe, trao đổi với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều ý kiến tâm huyết, trong đó có cả những ý kiến “trái chiều, nghịch nhĩ”, phản ánh các tồn tại, nhưng Chính phủ rất lắng nghe. Thủ tướng cho rằng, đoàn kết lại để làm lớn hơn doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề đặt ra hiện nay và tin tưởng rằng, thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn ra đời tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về định hướng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới để xử lý những bất cập, tồn tại và đề ra giải pháp.

“Trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, mỗi bộ, ngành khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2020 tầm nhìn 2025. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm đầu mối đốc thúc cập nhật, tổng hợp gửi báo cáo Thủ tướng và nhấn mạnh những việc mà Hội nghị đã nêu ra.

Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá, làm được nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô thì Nhà nước phải tiếp tục nắm.

Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền các địa phương mạnh mẽ đổi mới tư duy và năng lực quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương để tương thích với mặt bằng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, phải tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống phân biệt đối xử giữa kinh tế trong nước và nước ngoài, kinh tế Nhà nước với tư nhân, doanh nghiệp với hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Tuyệt đối không được có tư duy phân biệt đối xử “tham lớn bỏ nhỏ”.

Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác và khuyến khích sự chủ động hợp tác, tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với nhau khi khó khăn và cùng nhau vươn ra biển lớn.

Cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới chính mình, phải thực sự tái cấu trúc và cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu sản phẩm, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết một bài toán sản xuất, tận dụng cơ hội Cách mạng Công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA.

Song song với đó, doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp, cần thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, cần nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động như đóng bảo hiểm cho người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia. Cần phải tiếp tục xây dựng thương hiệu, tạo dựng chỗ đứng cho doanh nghiệp, kể cả trong nước và nước ngoài, đóng góp xứng đáng và tự hào vào sự vững mạnh của thương hiệu quốc gia.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.

Thủ tướng mong muốn với những thành quả quan trọng về kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2019 và khí thế mới 2020 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hãy tự tin đặt mục tiêu lớn hơn trong năm 2020, dám đặt tầm nhìn và nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn trong giai đoạn tới.

Còn về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô và trực tiếp hỗ trợ hợp lý đối với tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách, tích cực rà soát rào cản pháp lý, chính sách, quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, xóa bỏ các rào cản độc quyền nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân bao gồm các dịch vụ công cộng.

Chính phủ cũng cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành thiết chế bảo vệ quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản và lợi ích của doanh nghiệp.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu khắc phục những yếu kém, bất cập mà các doanh nghiệp, các hiệp hội đã phản ánh tại hội nghị hôm nay./.