Những nội dung trên đã được đề cập và thảo luận tại Hội thảo “Thị trường Châu Mỹ Latinh – Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” sáng ngày 30/5, tại Hà Nội do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức, nhằm cung cấp thông tin cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, mở rộng kinh doanh tại thị trường đầy tiềm năng này.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, năm 2012, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt khoảng 2,68 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,82 tỷ USD. Xét trên bình diện toàn khu vực, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ La tinh tương đối cân bằng.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam ở Mỹ La tinh có thể chia ra hai cụm thị trường trọng điểm bao gồm: Cụm 4 thị trường trọng điểm cho vùng Nam Mỹ, gồm: Achentina, Braxin, Chile và Colombia; Cụm 3 thị trường trọng điểm ở vùng Trung Mỹ và Caribe, gồm: Mexico, Panama và Cuba.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, có những khó khăn khi tiếp cận thị trường châu Mỹ Latinh như: Chi phí vận tải cao; phương thức thanh toán thường là trả chậm, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; Xu thế bảo hộ gia tăng tại một số thị trường chính như Mexico, Brazil, Argentina; Cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và với hàng hóa tại khu vực.

Đồng thời, chi phí quản lý hoạt động kinh doanh cao, rào cản ngôn ngữ cũng gây khó khăn trong việc liên hệ công việc, tiếp cận đối tác.

Tham tán thương mại của Việt Nam đã được bố trí ở 7 nước trên tổng số 33 nước. Tuy nhiên, còn một số thị trường lớn, quy mô GDP hàng trăm tỷ USD, dân số đông như Colombia, Peru, lại chưa có đại diện thương mại của Việt Nam nên chưa hỗ trợ được nhiều cho các doanh nghiệp trong khâu tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Việc xâm nhập hàng hóa, mở rộng thị trường còn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa đến từ các nước châu Á khác. Gần đây, các đoàn xúc tiến thương mại có xu hướng thưa dần, còn chưa hướng đích tới thị trường Mỹ Latinh. Công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp vận động, đấu tranh bảo vệ uy tín hàng hóa của nước ta còn chưa diễn ra mạnh mẽ.

Ngoài ra, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam còn bị phân biệt đối xử trong các vụ kiện chống phá giá. Ở thị trường Braxin đã có ba vụ kiện chống phá giá đối với hàng hoá của Việt Nam. Ngay tại thời điểm này, phía Braxin lại có thêm vụ điều tra chóng bán phá giá đối với thép cán nguội của Việt Nam.

Do vậy, theo, ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, trong chiến lược xâm nhập thị trường Mỹ Latinh, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bộ ngành hữu quan và giới doanh nghiệp để từng bước tiến tới phân bổ lại lực lượng đại diện thương mại hợp lý hơn trong tương lai nhằm khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng này./.