Bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2019

Năm 2019, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động khó lường, kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu tăng trưởng chậm... Trong nước, tình hình thiên tai, dịch bệnh và những tồn tại, hạn chế nội tại của nền kinh tế đã tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, với hàng loạt giải pháp hành động kịp thời, tích cực của Chính phủ, bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2019 tiếp tục có sự khởi sắc.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký trong năm 2019 tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là năm thứ năm liên tiếp ghi nhận kỷ lục này, góp phần đưa kinh tế tư nhân bứt phá, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và trở thành 1 trong 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2019 được Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cùng 20 chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam bình chọn.

Cụ thể, trong năm 2019, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.730.173 tỷ đồng, tăng 5,2% về số doanh nghiệp và tăng 17,1% về số vốn đăng ký so với năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2019 đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2018.

Trong đó, doanh nghiệp thuộc khu vực Công nghiệp và Xây dựng tăng 5,3% về số doanh nghiệp, tăng 30,2% về số vốn; doanh nghiệp thuộc khu vực Dịch vụ tăng 5,1% về số doanh nghiệp, tăng 12,9% về số vốn. Đồng thời, trong tất cả 06 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước đều có sự gia tăng về doanh nghiệp thành lập mới so với năm 2018. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở quy mô vốn trên 100 tỷ đồng cũng có sự gia tăng với 1.943 doanh nghiệp (chiếm 1,41% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,2% so với năm 2018).

Bên cạnh điểm nhấn về số doanh nghiệp thành lập mới, thì con số 39.421 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 15,9% so với năm 2018) cũng giúp bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2019 tiếp tục có những điểm sáng ấn tượng.

Đặc biệt, hai lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đều có lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lớn, cụ thể: Xây dựng có 6.140 doanh nghiệp (tăng 14,6%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 4.624 doanh nghiệp (tăng 5,7%).

Những con số ấn tượng trên cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới sau một thời gian gặp khó khăn và chưa xác định được hướng đi đúng cho doanh nghiệp. Đồng thời, niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường và các giải pháp, chính sách của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp không ngừng được tăng lên.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, nhằm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là việc cắt giảm tối đa phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động đề xuất, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2019/TT-BTC, ngày 05/08/2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp để thay thế cho Thông tư số 215/2016/TT-BTC và Thông tư số 130/2017/TT-BTC. Kể từ ngày 20/09/2019, phí và lệ phí đăng ký doanh nghiệp đã được cắt giảm 62,5%, từ 400.000 đồng xuống còn 150.000 và miễn lệ phí đối với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.

Cùng với đó, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, hướng đến mục tiêu tạo dựng môi trường hành chính hiện đại, minh bạch, công bằng trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh cho tất cả các loại hình tổ chức kinh tế cũng tạo nên những hiệu ứng tích cực, góp phần điểm thêm những sắc màu tươi sáng cho bức tranh về tình hình phát triển doanh nghiệp. Năm 2019, công tác đăng ký qua mạng điện tử được đẩy mạnh. Tỷ lệ đăng ký qua mạng trên cả nước đạt 70,62% (tăng 19% so năm 2018), riêng TP. Hà Nội đạt 99,5% và TP. Hồ Chí Minh đạt 83,51%.

Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tiếp tục là địa chỉ quen thuộc, đáng tin cậy của người dùng khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính hay tìm kiếm thông tin liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp. Tính đến tháng 12/2019, tổng số lượt truy cập vào Cổng Thông tin quốc gia đã đạt hơn 532,96 triệu lượt truy cập. Trong đó, riêng năm 2019, tổng lượt truy cập đạt hơn 182,12 triệu, tăng 1,22 lần so với năm 2018 và tăng 1,56 lần so với năm 2017. Đặc biệt, hiện nay, tất cả thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp đều có thể thực hiện trực tuyến thông qua các ứng dụng trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với 18 dịch vụ công được triển khai ở mức độ 4 và 4 dịch vụ công được triển khai ở mức độ 3; đồng thời, thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp cũng như tình trạng hồ sơ doanh nghiệp trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Những vấn đề cần lưu ý

Tuy nhiên, bức tranh về tình hình doanh nghiệp trong năm 2019 cũng có những mảng màu tối đáng lưu ý. Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục đạt kỷ lục, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn rút lui khỏi thị trường vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, trong năm 2019, có 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,2% so với năm 2018), bao gồm: 28.731 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 5,9%), 43.711 doanh nghiệp chờ giải thể (tăng 41,7%), 16.840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 3,2%). Trung bình mỗi tháng có 7.440 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Việc gia tăng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2019 chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đối với doanh nghiệp cũng như quy luật vận động của nền kinh tế thị trường, cụ thể là:

Thứ nhất, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, như: quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những chồng chéo, bất cập; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực, như: tín dụng, đất đai; hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra...

Theo Báo cáo “Điểm lại tháng 12/2019 – Bước chuyển về tài chính, mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới, thì doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó phần lớn doanh nghiệp coi tiếp cận tài chính là trở ngại nghiêm trọng nhất, đặc biệt là khó khăn trong huy động nguồn tài chính dài hạn.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, một số lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện gặp phải tình trạng số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh tăng cao. Ví dụ: lĩnh vực kinh doanh bất động sản có số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 36,8%, hoàn tất thủ tục giải thể tăng 39,4%.

Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên năm 2019, nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước cho rằng, gần đây thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân đến từ hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản còn chưa đồng bộ. Hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản, từ đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách, nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường bất động sản chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả.

Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn khi phải chờ đợi nhiều bộ luật, văn bản liên quan đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện, như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản... cũng như sức ép từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới sau hàng loạt vụ việc vi phạm pháp luật của các công ty kinh doanh bất động sản. Việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm. Ngoài ra, doanh nghiệp bất động sản cũng gặp phải khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn khi hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang bị thắt chặt.

Thứ hai, quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường. Năm 2019, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập thị trường của nước ta là 50,3%. Đây là tỷ lệ tương đối tốt so với các nước thuộc nhóm đứng đầu về mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh trên thế giới. Ví dụ, ở New Zealand (đứng đầu bảng trong Doing Business 4 năm liên tiếp kể từ Doing Business 2017), trong năm tài chính 2018 có 61.404 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 60.300 doanh nghiệp “chết” (death enterprises), với tỷ lệ là 98,2%; Còn ở Anh (đứng thứ 8 trong Doing Business 2020), năm 2018, có 381.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 336.000 doanh nghiệp “chết”, với tỷ lệ là 88,2%; tỷ lệ này ở Anh năm 2017 là 94,8%.

Từ thực tế trên có thể thấy, trong mọi nền kinh tế thị trường luôn có một tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp bị giải thể, phá sản; việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Trong bối cảnh một nền kinh tế năng động với số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường gia tăng mạnh mẽ như vậy, thì tính cạnh tranh và thanh lọc càng được thể hiện rõ rệt.

Ngoài ra, trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng suất lao động và khả năng điều hành, quản lý của các doanh nghiệp nước ta nhìn chung còn thấp. Những doanh nghiệp yếu kém, non trẻ chưa được trang bị kỹ càng trước khi tham gia vào thị trường, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, nền kinh tế Việt Nam lại là một nền kinh tế năng động, đang có nhiều triển vọng, khoa học công nghệ không ngừng phát triển như hiện nay, thì sức ép đối với doanh nghiệp càng lớn, tính cạnh tranh, thanh lọc càng thể hiện rõ rệt.

Quy luật cạnh tranh, thanh lọc không bỏ qua cả những doanh nghiệp đã có sự vận hành tương đối ổn định trong thời gian dài. Nếu thiếu sự đổi mới, cập nhật để theo kịp với điều kiện ngày càng cao của nền kinh tế thì doanh nghiệp ắt sẽ bị đẩy lùi ra khỏi “cuộc chơi”.

Như vậy, ở một góc độ nào đó, việc doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể hay phá sản cũng giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở thúc đẩy nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho một sự phát triển bền vững hơn.

Dự báo triển vọng về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020

Năm 2020, tình hình kinh tế nước ta được dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh dự kiến vẫn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ, của kế hoạch 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2030, là năm tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn. Ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, với phương châm hành động của năm 2020 được xác định là: “kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Trong đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chỉ số xếp hạng quốc tế, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.

Với những giải pháp và hành động cụ thể nêu trên, trong năm 2020, kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục có những bước phát triển, sức khỏe của doanh nghiệp sẽ được nâng cao. Dự kiến sẽ có khoảng 140.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020./.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

2. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020

3. Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019). Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2019

4. Ngân hàng Thế giới (2019). Điểm lại tháng 12/2019 – Bước chuyển về tài chính, mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam

5. Ngân hàng Thế giới (2019). Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020 (Doing Business 2020)

Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1+2, tháng 1/2020)