Một nền kinh tế có năng suất, hiệu quả là nền kinh tế có năng lực sử dụng, khai thác tốt các nguồn lực có hạn. Đó cũng là nội dung được đề cập đến tại Tạo đàm “Ứng dụng Kinh tế nền tảng số để tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 20/2 tại Hà Nội.

Các chuyên gia trao đổi tại buổi Tọa đàm

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn liền với trình độ ứng dụng công nghệ trong sản xuất và quản trị. Công nghệ giúp doanh nghiệp tăng tốc độ, giảm sai sót và loại bỏ lãng phí. CMCN 4.0 xây dựng nên các doanh nghiệp số dựa trên việc kết nối các chuỗi giá trị trong và ngoài doanh nghiệp, số hóa quá trình sản xuất, dịch vụ, cũng như tạo những mô hình kinh doanh mới.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Việt đối mặt chính là năng lực cạnh tranh suy giảm do năng suất lao động thấp.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã đồng quan điểm rằng, để tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam, trước hết tự thân các nền tảng phải trở nên cạnh tranh hơn.

Các nền tảng lớn có thể kéo theo sự phát triển của nhiều nền tảng con như một hệ sinh thái. Facebook, Google, Amazon, Alibaba... là những nền tảng toàn cầu đã tạo ra những nền tảng nhỏ hơn phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một hệ sinh thái chung là những ví dụ điển hình.

Nền tảng số ngày nay không chỉ còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ nữa mà ngày càng trở nên phổ biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Việt Nam có thể được cải thiện sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi: xây dựng hệ sinh thái nền tảng số, vận dụng kinh tế nền tảng số để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vận dụng kinh tế nền tảng số trong phát triển và quản lý nguồn nhân lực, vận dụng kinh tế nền tảng số trong phát triển các thị trường. Chiến lược mà nhiều quốc gia đang sử dụng là tạo dựng hệ sinh thái nền tảng, ở đó sự hợp tác và đồng sáng tạo kết nối các nền tảng với nhau.

Ông Trần Thanh Hải, nguyên Giám đốc Be Group, đồng sáng lập công ty công nghệ VNG Corporation (doanh nghiệp tập trung vào trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán điện tử và dịch vụ đám mây) cho rằng, Việt Nam đã có nhiều chính sách thúc đẩy các nền tảng số để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, có những chính sách lại đưa lợi thế vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng.

“Vốn và công nghệ là hai yếu tố không phải thế mạnh của Việt Nam thì chúng ta phải dựa vào lợi thế về sáng tạo, lợi thế về thị trường và sự am tường con người. Ví dụ: khi Grab vào Việt Nam khai thác dịch vụ vận chuyển thì đường giao thông, khách hàng, xe, lái xe, chi tiêu... đều là của Việt Nam, nhưng nền tảng công nghệ lại của nước ngoài”, ông Hải nói.

Phân tích thêm, ông chỉ ra, để cạnh tranh, bản thân doanh nghiệp phải đánh giá cuộc cạnh tranh đó để biết điểm mạnh, điểm yếu, tiếp cận góc độ mới, tập trung vào một vài nền tảng mạnh, có sức cạnh tranh để phát huy, chứ không nên nhảy vào tất cả các nền tảng để lãng phí nguồn lực.

Hiện nay, bản thân các nền tảng số đã góp một phần quan trọng vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng trong cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin như các ứng dụng về bản đồ, các platform thiết kế website…

Bên cạnh các hoạt động giao dịch, các nền tảng cũng là nơi thích hợp để diễn ra các hoạt động, giáo dục, đào tạo, trao đổi kiến thức kỹ năng. Một số nền tảng nổi bật trong lĩnh vực này của Việt Nam, như: Topica, Edumall, Kyna, Học mãi… đang phát triển nhanh chóng.

Các không gian trên nền tảng cho phép người sử dụng, những khách hàng cải tiến đáng kể về hiệu suất, khả năng đổi mới sáng tạo. Khác với cách tiếp cận công cụ tạo ra nguồn cung, cách tiếp cận nền tảng phát hiện ra nguồn cung cấp mới. Chính sự sáng tạo của các nền tảng trong cách tiếp cận kinh doanh đang cổ vũ những đổi mới sáng tạo ở người dùng.

Ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT UPGen Vietnam (doanh nghiệp cho thuê văn phòng, địa điểm hỗ trợ cho khởi nghiệp), Việt Nam có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh công nghệ 4.0 hiện nay, đó là một nền kinh tế mới, nền tảng mới.

“Về khoa học công nghệ đúng là chúng ta không thể so với các nước trên thế giới, nhưng chúng ta có thị trường tương đối lớn 100 triệu dân. Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng công ty hàng tỷ USD dựa trên nguồn nội địa, bằng cách dựa nhiều vào sáng tạo, rồi các đặc điểm của địa phương. Đó là nơi mà nhà nước đóng vai trò quan trọng, tạo ra sân chơi công bằng, có các chính sách để làm sao không cạnh tranh bằng tiền, mà phải bằng giá trị", ông Nam chia sẻ./.