Đây là thông tin tại kết quả khảo sát AHK World Business Outlook 2020 - đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức và những tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ trên toàn cầu và tại Việt Nam do Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) công bố ngày 7/4.

72% doanh nghiệp Đức vẫn tiếp tục kế hoạch đầu tư của họ tại Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp Đức

Phần lớn các doanh nghiệp cảm nhận được những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới doanh nghiệp mình. Các sự kiện quan trọng đều phải hủy bỏ, các hoạt động du lịch đều tạm hoãn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các ngành dịch vụ, đặc biệt trong logistics, thương mại, nhà hàng, khách sạn.

Các cửa hàng đóng cửa, các khu phố không một bóng người, trường học và nhà trẻ không hoạt động, người lao động thì buộc phải nghỉ phép để ở nhà phòng dịch, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường đóng băng còn các bệnh viện thì luôn trong tình trạng quá tải. Tất cả đang đè nặng lên nền kinh tế và doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát, 14% doanh nghiệp Đức dự tính kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2020 sẽ kém hơn năm ngoái. 59% trong số đó nhận định tình hình khả quan hơn, nhưng cũng chỉ đủ đạt mức chuẩn của 2019. Chỉ có 27% doanh nghiệp Đức lạc quan với sự phát triển kinh doanh của năm 2020 so với 2019 (chỉ số này đạt mức 77% vào năm 2019).

So sánh với các chỉ số trung bình được đánh giá bởi các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức tại Đông Nam Á, các chỉ số của Việt Nam đều cao hơn và cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp Đức vào tình hình phát triển của chính doanh nghiệp mình tại Việt Nam.

82% doanh nghiệp Đức đều đồng loạt hạ thấp mức doanh thu

Năm 2019 được đánh giá là một năm thành công trong quan hệ thương mại và đầu tư Đức – Việt Nam. Với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước đạt 14 tỷ EUR năm 2020, Việt Nam trở thành đối tác quan trọng nhất nhì trong khối các nước Đông Nam Á của Đức và cũng là quốc gia thu hút được sự quan tâm cao của các nhà đầu tư Đức, với hơn 350 dự án FDI tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 gây ra, trong năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều hạ thấp đáng kể mục tiêu tài chính của mình. Theo như kết quả khảo sát, 82% doanh nghiệp Đức đều đồng loạt hạ thấp mức doanh thu do ảnh hưởng bởi COVID-19. 9% xác nhận doanh thu của họ sẽ giảm sâu hơn 50% và hơn 63% nhận định sự sụt giảm doanh thu sẽ nằm ở mức từ 10%-50%.

Hầu hết các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đều cảm nhận và trải nghiệm những ảnh hưởng của dịch bệnh tới doanh nghiệp mình, ở các mức độ khác nhau và các góc độ khác nhau. Cụ thể: 86% doanh nghiệp cho rằng việc tạm dừng xuất nhập cảnh, hạn chế đi lại ảnh hưởng lớn đển tình hình kinh doanh của họ; 59% người tham gia khảo sát cho rằng dịch bệnh đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng của họ; 55% doanh nghiệp Đức phải đối mặt với các đơn hàng bị hủy và 50% trong số họ buộc phải hoãn vô thời hạn các dự định đầu tư mới của mình do sự leo thang của dịch bệnh.

Song, 72% doanh nghiệp Đức vẫn tiếp tục kế hoạch đầu tư của họ tại Việt Nam

Mặc dù năm 2020 sẽ là một năm nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, song trong trung hạn 72% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam vẫn tiếp tục kế hoạch đầu tư của họ tại đây và 27% trong số họ sẽ tuyển thêm nhân sự. Đây cũng là thành quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính phủ Việt Nam cũng như những tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do giữa châu Âu và Việt Nam (EVFTA).

Hiệp EVFTA ược kỳ vọng sẽ là một đòn bẩy giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi và quay về mức tăng trưởng như hiện tại và thu hút thêm nhiều các nhà đầu tư chất lượng tới từ châu Âu và Đức trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, nhu cầu thị trường và chính sách kinh tế tại Việt Nam đang là những thách thức cho các doanh nghiệp Đức.

Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy, 68% doanh nghiệp cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ làm giảm mạnh nhu cầu của thị trường, qua đó gây thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp của họ tại Việt Nam.

Đồng thời, 59% doanh nghiệp Đức nhận định chính sách kinh tế tại Việt Nam sẽ là một thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp họ trong vòng 12 tháng tới. Những yếu tố khác như tài chính, hạ tầng cơ sở và thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao cũng là những yếu tố gây lo ngại cho tình hình doanh nghiệp Đức trong trung hạn tại Việt Nam./.