Chương trình được thực hiện bởi VCCI, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) theo sự chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP, ngày 15/12/2015 về việc xếp hạng doanh nghiệp bền vững từ năm 2016 và Chỉ thị về Phát triển bền vững số 13/CT-TTg, ngày 20/05/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, "trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, trong khi các doanh nghiệp đang làm sao để sống được, thì chúng ta lại nói đến phát triển bền vững có phải quá xa xỉ hay không? Tuy nhiên, không phải như vậy, chính sự phát triển bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua được dịch bệnh trước mắt và cả trong tương lai".

Theo Chủ tịch VCCI, đại dịch xét từ góc độ nào đó là cái giá phải trả khi chúng ta chưa phát triển bền vững, khi chúng ta đối xử chưa chuẩn mực với môi trường, xã hội. Cho nên, hậu đại dịch, những giá trị bền vững sẽ lên ngôi. Thế giới sau đại dịch sẽ được định hình theo nền tảng giá trị bền vững.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh:VCCI

“Phát triển bền vững” chính là 4 chữ vàng của nền kinh tế toàn cầu, của mỗi quốc gia và từng doanh nghiệp. Động lực phát triển bền vững phải là nền móng cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế toàn cầu”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Để phát triển bền vững, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở những thông điệp, tuyên ngôn, mà phát triển bền vững phải thể hiện bằng những mô hình, bằng công cụ và quan trọng nhất là phải có thước đo, nếu không có thước đo, thì không thể quản trị, không thể đánh giá được nhất là trong lĩnh vực kinh tế để xác định mức độ, không gian, dư địa thúc đẩy phát triển trong tương lai.

Với tầm nhìn như vậy, suốt 5 năm qua, VCCI đã khởi xướng phong trào phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam, qua sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, đã có bộ 127 chỉ số để định hướng cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Việc định hướng phát triển bền vững không chỉ cho các doanh nghiệp lớn, mà còn định hướng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, hiện nay, bộ 127 chỉ số CSI áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ là quá sức đối với cộng đồng này. Bộ chỉ số này thích ứng với các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp cỡ vữa, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể mang vác được cả bộ chỉ số như vậy. Đồng thời, có những chỉ số không thích hợp, không cần thiết đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Do đó, Chủ tịch VCCI mong muốn, xây dựng 3 bộ chỉ số như đối với giáo dục có 3 cấp là sơ cấp, trung cấp và đại học, thì bộ chỉ số này cũng tương tự với cách phân cấp như vậy để phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp.

Còn đối với các doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc khuyến khích, mỗi doanh nghiệp hãy đưa CSI vào trọng tâm chiến lược quản trị của doanh nghiệp cũng như áp dụng bộ chỉ số này để lập báo cáo phát triển bền vững. Đồng thường, thường xuyên tham chiếu với bộ chỉ số để kịp thời phát hiện những điểm yếu, thiếu sót trong quá trình vận hành, sản xuất, kinh doanh để cải thiện, nắm bắt những cơ hội tiềm năng để đầu tư và “đi tắt đón đầu”.

“Càng nhiều doanh nghiệp áp dụng CSI, thì hoạt động quản trị doanh nghiệp càng trở nên chuyên nghiệp, bài bản hơn, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chọi và phục hồi trong mọi kịch bản”, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Năm 2020, Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực trên toàn quốc, thông qua hình thức nộp hồ sơ bản cứng hoặc khai trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ khai thông tin theo Bộ chỉ số CSI 2020 với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững; Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường và Chỉ số Lao động.

CSI 2020 đã được VBCSD-VCCI cùng các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nghiên cứu, cập nhật nhiều điểm mới để phù hợp với những yêu cầu từ các hiệp định thương mại tự do quan trọng, mà Việt Nam đã ký kết gần đây (như: CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; EVFTA – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU), cũng như các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao động và môi trường có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến 17 Mục tiêu Phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào Bộ chỉ số CSI 2020./.

Trải qua 4 năm triển khai, Chương trình đã tạo được những dấu ấn mạnh mẽ, sắc nét:

- Hơn 1.500 doanh nghiệp tham gia, qua đó hơn 300 doanh nghiệp được biểu dương doanh nghiệp bền vững.

- Nâng cao nhận thức và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững nói chung và quản trị doanh nghiệp bền vững nói riêng một cách mạnh mẽ hơn.

- Chương trình và Bộ Chỉ số CSI đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của Chính phủ về tính hiệu quả trong việc lan tỏa, hỗ trợ thực hiện phát triển bền vững doanh nghiệp.

- Theo Báo cáo đánh giá quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp tham dự Chương trình giai đoạn 2016-2018 do VBCSD-VCCI thực hiện năm 2019, các doanh nghiệp sau khi tham gia Chương trình có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động được cải thiện đáng kể so với trước khi tham gia, cũng như vượt trội hơn những doanh nghiệp không tham gia Chương trình.