Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 5/2020, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự khởi sắc. Cụ thể, trong tháng 5 có 10.728 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 112.720 tỷ đồng, tăng 0,3% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2019. So sánh với tháng 4/2020 (thời điểm dịch bệnh ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp và cả nước thực hiện giãn cách xã hội), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký tăng lần lượt 36,1% và 20,1%.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2020 là 91.455 người, tăng 27,0% so với tháng 4/2020 và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019 (trong khi tháng 5/2019 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018).

Đồng thời, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 5/2020 là 5.056 doanh nghiệp, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 32,7% so với tháng 4/2020.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2020, cả nước có 48.324 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019 (Bảng). Tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ giảm của kỳ 4 tháng đầu năm 2020 khi so sánh với kỳ 4 tháng đầu năm 2019 (giảm 13,2%). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 11,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 (4 tháng 2020 giảm 17,9% so với 4 tháng 2019). Điều này cho thấy, doanh nghiệp vẫn tiếp tục có xu hướng thu hẹp quy mô trong ngắn hạn để đảm bảo an toàn cho đồng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2020 là 1.375.363 tỷ đồng (giảm 17,0% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 557.943 tỷ đồng (giảm 16,7%) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 817.420 tỷ đồng (giảm 17,2%) với 15.064 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.

Bảng: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, những tháng đầu năm 2020, tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước cho thấy, tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình phức tạp và ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh Covid-19.

Sang tháng 5, các chỉ tiêu đã có nhiều sự cải thiện, doanh nghiệp đã bắt đầu mạnh dạn trong việc nắm bắt những cơ hội, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, những ảnh hưởng của dịch bệnh trong Quý I và tháng 4/2020 vẫn là rất lớn, vì thế, số liệu trong 5 tháng đầu năm vẫn ghi nhận những sự sụt giảm. Nếu trong những tháng tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 không có diễn biến xấu, thì trong dài hạn, khi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ trở lại, con số này sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 407.186 lao động, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo khu vực kinh tế, 5 tháng đầu năm nay có gần 33,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực dịch vụ, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước; có 13,8 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 6%; có 794 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 5,6% (Bảng).

Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, ngoài ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, chỉ có ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới tăng với 928 doanh nghiệp, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước, đây là những ngành thiết yếu, nên ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm, như: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 16.335 doanh nghiệp, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng 6.440 doanh nghiệp, giảm 9,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo 6.223 doanh nghiệp, giảm 9,1%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 4.403 doanh nghiệp, giảm 1,8%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 2.545 doanh nghiệp, giảm 19,4%; kinh doanh bất động sản 2.231 doanh nghiệp, giảm 29,7%...

Còn theo địa bàn, sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến doanh nghiệp trên khắp cả nước trở nên rõ nét, khi 5/6 khu vực trên toàn quốc ghi nhận sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Cụ thể, Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 19.869 doanh nghiệp (chiếm 41,1% cả nước) và số vốn đăng ký là 245.333 tỷ đồng (chiếm 44,0% cả nước), giảm 11,5% về số doanh nghiệp và giảm 30,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019.

Tiếp đó là Đồng bằng sông Hồng với 14.567 doanh nghiệp (chiếm 30,1% cả nước) và số vốn đăng ký là 186.683 tỷ đồng (chiếm 33,5% cả nước), giảm 11,5% về số doanh nghiệp và tăng 11,3% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019.

Trung du và miền núi phía Bắc có mức độ giảm thấp nhất về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với 2.041 doanh nghiệp (chiếm 4,2% cả nước), giảm 0.9% và số vốn đạt 21.459 tỷ đồng (chiếm 3,8%), giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong 5 tháng đầu năm 2020, cả nước còn có 21.707 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động tập trung chủ yếu ở các ngành: bán buôn, bán lẻ (7.815 doanh nghiệp, chiếm 36,0%, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019); xây dựng (3.226 doanh nghiệp, chiếm 14,9%, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2019); công nghiệp chế biến, chế tạo (2.693 doanh nghiệp, chiếm 12,4%, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2019).

Về tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trong 4 tháng đầu năm đã thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đó là xu hướng chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để nghe ngóng, xem xét diễn biến của dịch bệnh, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay “đóng cửa” doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Từ đầu tháng 5, cả nước đã chuyển từ thế “tĩnh” sang “động”, khởi động lại nền kinh tế và bắt đầu quá trình phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ kép. Tuy nhiên, quãng thời gian này chưa đáng kể nên tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm vẫn có chiều hướng tăng.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2020, có 48.621 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 8,6% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: 26.008 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 36,4%); 16.548 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 14,5%)’; 6.065 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 4,8%). Trung bình mỗi tháng có 9.724 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất rõ nét. Chính vì vậy, trong thời gian khó khăn vừa qua, để đồng hành và “gỡ khó” cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, bên cạnh những chính sách, giải pháp đã được các bộ, ngành nghiên cứu ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, như: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” diễn ra ngày 9/5/2020 và được truyền hình trực tuyến với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Hội nghị nhằm động viên cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ghi nhận sự nỗ lực vượt khó, tự lực tự cường của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Đồng thời, Hội nghị cũng thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp; lắng nghe, ghi nhận các giải pháp, sáng kiến của doanh nghiệp; tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngày 26/5/2020, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) tổ chức Hội nghị Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội.

Hội nghị là dịp lắng nghe và ghi nhận từ thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp những khó khăn, kiến nghị cũng như những đề xuất sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá sau dịch bệnh Covid-19, góp phần vào sự phục hồi của cả nền kinh tế.

Đây cũng là dịp ghi nhận ý kiến thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục tiến trình cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và tổ chức thực thi một cách hiệu quả, sớm đưa những kết quả cải cách đi vào cuộc sống.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy rất tốt những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động có các giải pháp tự cứu mình. Theo đó, niều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh, như: áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh…/.