Ngày 3/11, trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu khu vực doanh nghiệp” giai đoạn 2013-2014 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan mạch tài trợ, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê và trường Đại học Copenhagen đã phối hợp tổ chức hội thảo công bố “Báo cáo năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam”.

Theo kết quả điều tra năng lực cạnh tranh và công nghệ năm 2013 cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được lợi ích của việc đầu tư công nghệ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ có 828 doanh nghiệp đăng ký chuyển giao công nghệ, trong đó số doanh nghiệp thực sự thực hiện thì vẫn là một ẩn số.

Ở Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp thường điều chỉnh các công nghệ mới chứ chưa tự nghiên cứu và phát triển. Việc này được cho là mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc nhận chuyển giao, vì doanh nghiệp có thể tìm công nghệ phù hợp với điều kiện của mình, trong khi nhận chuyển giao bị giới hạn bởi trình độ công nghệ của doanh nghiệp chuyển giao, còn tự nghiên cứu thì xác suất thất bại cao và chi phí tốn kém.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng, mặc dù sự lan tỏa của việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài có chất lượng cao hơn và rộng hơn so với doanh nghiệp trong nước. Song, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam tự chuyển giao công nghệ với nhau là chính, còn từ doanh nghiệp FDI thì rất hạn chế.

Đi tìm nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt ít đầu tư vào nghiên cứu, cải tiến công nghệ, GS. John Rand, trường Đại học Copenhagen cho biết, hạn chế về mặt tài chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, ở Việt Nam chỉ có khoảng 2% là doanh nghiệp lớn, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính có hạn, tích lũy lợi nhuận không đáng kể nên phần lớn trong số họ không đủ khả năng để đầu tư vào cải tiến công nghệ. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ khoảng 3%, chưa kể phần lớn hỗ trợ này lại thuộc về các công ty nhà nước. Do vậy, các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu dựa vào vốn chủ sở hữu, điều đó có nghĩa là khả năng đầu tư của doanh nghiệp bị hạn chế bới nguồn vốn sẵn có, ví dụ như lợi nhuận giữ lại.

Một lý do khác được đưa ra, đó là các sản phẩm sau khi cải tiến công nghệ còn hạn chế về thị trường đầu ra. Doanh nghiệp sẽ không đầu tư tiền nếu không chắc chắn về thị trường đầu ra và lợi nhuận thu được khi thực hiện việc đầu tư này.

Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ còn thiếu đồng bộ và thiếu sự phối hợp, dẫn đến tình trạng Chính phủ vừa gỡ cái này thì đã vướng cái kia. Hơn nữa, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp thực hiện việc cải tiến công nghệ nhưng không được sự hỗ trợ của Nhà nước, hoặc công sức xin được hỗ trợ còn nhiều hơn so với số tiền mà họ bỏ ra để xin được khoản hỗ trợ đó.

Chính vì vậy, bà Lan kiến nghị, các chính sách cần tiếp cận đa chiều, hướng tới giải quyết nhiều trở ngại cùng lúc. Đặc biệt, cần có những chính sách thiết thực hướng thẳng vào những doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư vào công nghệ hoặc nhân lực.

Bên cạnh đó, cần thiết kế các chính sách hợp lý hơn trong việc thu hút FDI, dựa trên thực tế đã chuyển giao, chứ đừng xây dựng dựa trên các kỳ vọng chuyển giao công nghệ. Một lý do khiến FDI không có quan hệ tốt với các doanh nghiệp Việt trong việc chuyển giao công nghệ, đó là không có sân chơi bình đẳng.

Đơn cử như trường hợp của Samsung, ngoài ưu đãi cho công ty chính, Việt Nam con ưu đãi cho tất cả các công ty con mà Samsung mang vào để cung cấp sản phẩm phụ trợ. Trong khi các sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp Việt Nam có giá thành cao hơn vì phải chịu thuế 25%, thì các công ty này được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm bằng 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo...

Bà Lan nhấn mạnh: “các chính sách ưu đãi của Việt Nam cho doanh nghiệp FDI cần đặt sân chơi sòng phẳng hơn thì mới khuyến khích họ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt được”./.