Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, ngày 12/3/1018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để phù hợp với tình hình mới hiện nay.

Bộ Công thương cho biết, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP được ban hành với các quy định điều chỉnh tương đối đầy đủ về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, sàng lọc những doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động bất chính, qua đó, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm khả năng gây hậu quả về kinh tế - xã hội.

Đến nay, tình hình mới đã có nhiều thay đổi, hoạt động bán hàng đa cấp tiếp tục cần được quản lý chặt chẽ, nhưng phải phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ về tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp. Qua rà soát và thực tiễn thi hành, các cơ quan quản lý nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần được điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước khi tham gia thị trường đa cấp Việt Nam phải hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu 3 năm ở một quốc gia khác. Ảnh: Internet

Siết chặt điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Theo Bộ Công Thương, từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp giảm đến 2/3. Trong đó, 1/3 số lượng daonh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 1/3 số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động do không hiệu quả. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký hoạt động mới.

Từ năm 2018 đến nay, có gần 20 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến Bộ Công Thương. Trong đó, hơn 2/3 là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc các doanh nghiệp có vốn đầu tu nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam là tín hiệu tốt về mặt thu hút đầu tư, tạo nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực kinh doanh đa cấp, thì cần có những đánh giá cẩn trọng khi xem xét nhu cầu gia nhập thị trường của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh đã xuất hiện hàng trăm năm và được thừa nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều tranh cãi về bản chất của loại hình kinh doanh này bởi có nhiều vụ việc lừa đảo xảy ra trên cơ sở lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, thậm chí xảy ra ở nước châu Âu. Do vậy, nhiều quốc gia thực hiện cơ chế sàng lọc doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân.

Để giải quyết vấn đề trên, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ Công Thương đề xuất, bổ sung điều kiện nhằm quản lý chặt hơn từ khâu tiền kiểm nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của doanh nghiệp đa cấp mới gia nhập thị trường, đảm bảo đã có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp trước khi gia nhập thị trường Việt Nam.

Bộ Công Thương đề xuất giải pháp thực hiện là, bổ sung điều kiện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước khi tham gia thị trường Việt Nam phải hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu 3 năm ở một quốc gia khác. Điều kiện này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ Công Thương, giải pháp này sẽ giúp sàng lọc doanh nghiệp tham gia thị trường bán hàng đa cấp, một trong những ngành nghề dễ bị lợi dụng lừa đảo ở Việt Nam. Việc yêu cầu doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài một mặt giúp cơ quan cấp giấy chứng nhận có cơ sở đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp, mặt khác cũng chọn lọc được các doanh nghiệp có kinh nghiệm quản lý nội bộ vì hoạt động này thực hiện thông qua mạng lưới hàng chục, hành trăm nghìn người tham gia.

Quy định về điều kiện sử dụng tiền ký quỹ

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ số tiền tương đương 5% vốn điều lệ, tối thiểu là 10 tỷ đồng, để đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Số tiền này được sử dụng để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bán hàng đa cấp khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, nhưng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đối với người tham gia bán hàng đa cấp. Để sử dụng số tiền này, cần có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về xử lý các tranh chấp giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp về các nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP không quy định rõ như thế nào là “các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp”. Điều này ảnh hưởng đến việc xác định trường hợp nào được sử dụng tiền ký quỹ.

Để giải quyết vấn đề này, dự thảo Nghị định đã quy định rõ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, bao gồm: nghĩa vụ trả thưởng theo kế hoạch, nghĩa vụ mua lại hàng hóa nếu người tham gia trả lại hàng theo đúng quy định. Các nghĩa vụ phát sinh không trên cơ sở hợp đồng, kế hoạch trả thưởng, ví dụ như trả lại hàng hóa mà người tham gia đã nhận rồi gửi tạm ở công ty, không được coi là nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.

Giải pháp này có tác động tích cực trong giải quyết đề nghị sử dụng tiền ký quỹ, giúp xác định rõ nghĩa vụ nào của doanh nghiệp sẽ được giải quyết bằng tiền ký quỹ, giải quyết được tình trạng lúng túng như thực tiễn hiện nay.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến đảm bảo hiệu quả quản lý hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương. Cụ thể, dự thảo bổ sung các yêu cầu, điều kiện cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của người đại diện doanh nghiệp tại địa phương, đảm bảo người đại diện này thực sự giữ vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý tại địa phương, có thể làm việc với cơ quan quản lý tại địa phương về các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn..