Theo đó, 24.144.965 cổ phiếu của Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị Nam Hà Nội (mã chứng khoán: NHA) được vào giao dịch trên sàn. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu NHA đạt 241.449.650.000 đồng, giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 20.600 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá +/-20%.

24.144.965 cổ phiếu của Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị Nam Hà Nội được vào giao dịch trên sàn HOSE sáng 21/01/2021

NHA được thành lập vào tháng 03/2004, năm 2010, Công ty niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội vốn điều lệ là 58,9 tỷ đồng. Sau nhiều lần thực hiện điều chỉnh, hiện nay vốn điều lệ của Công ty đạt hơn 241 tỷ đồng. Theo Báo cáo tài chính kiểm toán trong bản cáo bạch của Công ty, năm 2018 và 2019, doanh thu thuần của Công ty lần lượt đạt hơn 104 tỷ và 170 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt hơn 27 tỷ và 68 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Công ty đạt 67 tỷ đồng tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 20 tỷ đồng.

Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (mã chứng khoán MIG), doanh nghiệp này có tổng giá trị chứng khoán niêm yết đạt 1.300 tỷ đồng, giá tham chiếu ngày chào sàn 21/01/2021 là 15.550 đồng/ cổ phiếu. Trong ngày đầu tiên, giá cổ phiếu MIG đã tăng kịch trần, chốt tại 18.600 đồng/cổ phiếu.

Theo bản cáo bạch của MIC, Ngân hàng TMCP Quân đội đang sở hữu 68,37% vốn điều lệ tại MIC. MIC là công ty thành viên thứ hai của Ngân hàng Quân đội lên sàn. MIC được thành lập theo Quyết định số 871/BQP ngày 22/2/2007 của Quân uỷ Trung ương và Giấy phép số 43GP/KDBH ngày 08/10/2007 của Bộ Tài chính. Từ số vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng, sau hơn 13 năm hoạt động đến nay MIC nằm trong TOP doanh nghiệp nghìn tỷ với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng.

MIC đạt tỷ lệ thu nhập trên vốn cổ phần từ 11-13% dẫn đầu thị trường bảo hiểm

Theo Báo cáo tài chính 2019 và 2020, doanh thu bảo hiểm gốc ghi nhận lần lượt đạt 2.507 tỷ đồng và 3157 tỷ đồng tăng trưởng ấn tượng, lợi nhuận liên tiếp đạt 177 tỷ đồng và 2020 là 242 tỷ đồng, ROE tiếp tục giữ vững 11-13% dẫn đầu thị trường. Năm 2020 trước những khó khăn thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch, MIC vẫn cam kết và chi trả lợi tức tiền mặt 10% cho cổ đông. MIC dự kiến đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số, tăng trưởng nhanh, hiệu quả, đặt mục tiêu năm 2021 đạt 360 tỷ đồng lợi nhuận, cổ tức cho cổ đông dự kiến 10%.

Tính đến ngày 21/1/2021 tại HOSE có 396 cổ phiếu niêm yết, 03 chứng chỉ quỹ đóng, 7 chứng chỉ quỹ ETF, 118 chứng quyền có bảo đảm và 33 trái phiếu doanh nghiệp giao dịch. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết đạt hơn 99,73 tỷ cổ phiếu, giá trị vốn hóa cổ phiếu đạt hơn 4,08 triệu tỷ đồng tương đương 95,05% giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu niêm yết; đạt khoảng 67,59% GDP ước tính năm 2019 (GDP theo giá thực tế).

Tại lễ trao quyết định niêm yết, lãnh đạo HOSE đã chúc mừng phiên giao dịch đầu tiên của hai doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ việc đưa chứng khoán lên niêm yết sẽ mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp như lợi thế tiếp cận vốn, nâng cao uy tín và thương hiệu, thu hút nhà đầu tư nước ngoài... Với vai trò là đơn vị vận hành thị trường, HOSE luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ của các công ty niêm yết, đặc biệt là nghĩa vụ công bố thông tin, cập nhật các quy định, chính sách liên quan đến thị trường chứng khoán, tham dự các chương trình đào tạo và cập nhật các thông lệ quốc tế tốt về quản trị công ty, phát triển bền vững.

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường có sức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới. Chỉ số VN-Index vượt 1.100 điểm, đạt 1103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020, tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019. Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng gần 119% so với thời điểm cuối quý I/2020 và tăng 98,1% so với cuối năm 2019.

Cũng liên quan đến việc niêm yết, trả lời câu hỏi của Tạp chí Kinh tế và Dự báo về thời điểm chính thức tái cấu trúc 2 sàn, cụ thể là chuyển các doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội – HNX (sàn này hiện có 339 doanh nghiệp) vào giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nhà quản lý đang xây lộ trình cho việc này. Theo ông Dũng, việc tái cấu trúc sẽ bắt đầu sau khi toàn TTCK Việt Nam vận hành theo hệ thống công nghệ mới. Từ nay cho đến thời điểm bắt đầu tái cấu trúc, các doanh nghiệp tùy theo thực tế hoạt động và mục tiêu của mình, có thể chọn lựa việc niêm yết trên sàn HOSE hoặc HNX./.