Mùa đại hội 2021: Khối công ty chứng khoán “mở hàng”

Trong khối doanh nghiệp niêm yết, Công ty Chứng khoán Everest có lẽ là đơn vị tiên phong Đại hội đồng cổ đông năm nay, khi tiến hành vào ngày 3/3 tới. Tiếp đó, BSC cho biết, ngày 9/3/2021 là ngày đăng ký cuối cùng và ngày Đại hội đồng cổ đông dự kiến là 10/4/2021.

Đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra vào tháng 3/2020 tại Việt Nam khiến mùa đại hội đồng cổ đông năm ngoái có nhiều xáo trộn. Hầu hết các doanh nghiệp đã không thể đại hội được trong tháng 4, tháng 5 mà phải lùi sang tháng 6, thậm chí đến cuối năm, để đảm bảo an toàn cho người dự họp. Nhiều doanh nghiệp cũng đã chọn hình thức đại hội trực tuyến, để thực hiện cuộc họp đặc biệt này.

Đại hội đồng cổ đông là cuộc họp quan trọng nhất của doanh nghiệp, để chốt các hoạt động năm cũ, bàn kế hoạch năm mới

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và chưa có ngày kết thúc, cuối tháng 11 năm 2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức cuộc tập huấn cho doanh nghiệp về cách ĐHCĐ trực tuyến và bỏ phiếu điện tử. Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bằng công nghệ trực tuyến, các cuộc họp cổ đông có thể được diễn ra dưới 2 dạng: cuộc họp trực tuyến toàn bộ (virtual only-meeting), trong đó không thành viên nào gặp mặt trực tiếp; và cuộc họp trực tuyến một phần (hybrid meeting) với sự tham gia của một số thành viên có mặt trực tiếp tại một địa điểm cụ thể và thiết lập đường online để các thành viên khác trong cuộc họp này tham gia. Hình thức này đặc biệt phù hợp với các công ty, tập đoàn đa quốc gia; giúp tiết kiệm chi phí so với họp trực tiếp (bao gồm chi phí thuê hội trường, in ấn tài liệu, nguồn nhân lực phục vụ phiên họp…).

Tại Việt Nam, bỏ phiếu điện tử đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các cổ đông thực hiện việc bỏ phiếu điện tử được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp như các cổ đông tham dự và biểu quyết trực tiếp. Tuy nhiên, năm 2020, còn rất ít doanh nghiệp áp dụng hình thức bỏ phiếu điện tử do đặc thù quản trị của từng công ty nên tổ chức phát hành có tâm lý ngại thay đổi, vẫn muốn duy trì hình thức bỏ phiếu truyền thống, vì nếu áp dụng e-voting, doanh nghiệp sẽ phải sửa đổi điều lệ công ty cho phép sử dụng hình thức bỏ phiếu này và bổ sung các quy định hướng dẫn liên quan.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn e ngại trình độ công nghệ của cổ đông còn chưa đồng đều, không phải nhà đầu tư nào cũng tiếp cận với những ứng dụng mới.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có tâm lý không muốn bên thứ ba can thiệp vào việc tổ chức đại hội, nên chưa lựa chọn sử dụng dịch vụ bỏ phiếu điện tử do bên thứ ba cung cấp… Trong khi đó, đây là hình thức tiên tiến, tiết kiệm và kết nối tốt hơn hình thức họp trực tiếp, nên nhà quản lý đốc thúc các doanh nghiệp vượt qua những e ngại, rào cản tâm lý, để thực thi nhiều hơn vào mùa đại hội đồng cổ đông tới đây.

Trong một trao đổi vào năm 2020, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho rằng, khi trình độ ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển thì hình thức E-voting sẽ được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng. Bỏ phiếu điện tử là phương thức giúp cổ đông của các tổ chức phát hành có thể thực hiện quyền bỏ phiếu của mình qua mạng Internet. Theo đó, các cổ đông không nhất thiết phải đến dự họp mà vẫn thực hiện được quyền bỏ phiếu đối với các quyết định quan trọng của tổ chức phát hành. Việc bỏ phiếu điện tử giúp tăng khả năng thành công của đại hội, giúp tiết kiệm chi phí tổ chức đại hội, chi phí quản lý, đi lại…, cũng như giúp tổ chức phát hành có được kết quả nhanh, chính xác và làm tăng vị thế của tổ chức phát hành, nhất là ở góc độ quản trị doanh nghiệp.

Hình thức này đã và đang được xem là một hình thức bỏ phiếu ưu việt được nhiều doanh nghiệp tại các thị trường tiên tiến trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc Đài Loan… và thế giới sử dụng. Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp đại chúng (có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, có trên 100 cổ đông) cần sớm tìm hiểu hình thức này và đưa vào áp dụng, vì đây là phương thức giúp doanh nghiệp kết nối không hạn chế với cổ đông, ngay cả trong bối cảnh đại dịch bùng phát trở lại.

Tại Việt Nam hiện nay, hai tổ chức đang cung cấp dịch vụ bỏ phiếu điện tử, họp cổ đông trực tuyến là Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và Công ty Chứng khoán FPTS. Nhà quản lý hy vọng, năm 2021, sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn sử dụng hình thức trực tuyến để họp cổ đông, đem lại lợi ích thiết thực cho cả nhà đầu tư và tổ chức phát hành.

Nhiều vấn đề doanh nghiệp cần cải thiện mùa đại hội 2021

Trong bối cảnh đại dịch, nhà quản lý đang và sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đại hội đồng cổ đông. Vấn đề đáng quan tâm hơn, không ở hình thức đại hội, mà ở chất lượng cuộc họp và mối quan hệ với cổ đông. Trong đánh giá về quản trị công ty do Nhóm nghiên cứu Trường đại học Bách khoa TP. HCM thực hiện nhằm hỗ trợ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2020, Nhóm chỉ ra 10 điểm yếu các doanh nghiệp cần cải thiện về đại hội đồng cổ đông. Cụ thể như sau:

Chỉ có 13,6% doanh nghiệp, trong thư mời tham dự đại hội, cổ đông được hướng dẫn để đóng góp ý kiến trong thời gian trước ngày tham dự đại hội về (các) vấn đề thảo luận trong chương trình nghị sự của Đại hội;

Chỉ có 12,9% tài liệu họp Đại hội cung cấp đầy đủ thông tin về các ứng viên mới cho HĐQT và BKS (nếu có) (tối thiểu: tuổi, trình độ đào tạo, chuyên môn, kinh nghiệm, ngày bổ nhiệm lần đầu, vị trí thành viên HĐQT đang tại vị ở DNNY khác, tính độc lập) tối thiểu 10 ngày trước ngày khai mạc.

Chỉ có 4,2% công ty có áp dụng và công bố cụ thể trong biên bản Đại hội các công nghệ thông tin hiện đại cho phép cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tốt nhất, bao gồm hướng dẫn cổ đông biểu quyết thông qua họp Đại hội đồng cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác.

Chỉ có 14,6% công ty thực hiện công bố bằng tiếng Anh thư mời họp và tài liệu họp Đại hội. Có chưa tới 10% công ty thực hiện công bố công khai vào ngày làm việc tiếp theo kết quả biểu quyết đối với tất cả nghị quyết trong Đại hội gần nhất bằng tiếng Anh.

Chỉ có 19,6% công ty tạo điều kiện cho cổ đông đóng góp ý kiến cho công ty (không bao gồm các ý kiến khiếu kiện) ngoài khuôn khổ các kỳ Đại hội không (các hội nghị nhà đầu tư, các chương trình gặp gỡ)…

Đây là một số điểm yếu các doanh nghiệp cần thay đổi để góp sức cải thiện điểm số quản trị công ty, nâng giá trị thị trường của chính mình. Đánh giá về mối tương quan giữa quản trị công ty và giá trị doanh nghiệp, sau 3 năm quan sát gần nhất, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM chia sẻ, điểm quản trị công ty có diễn biến tương đồng với giá trị thị trường của các doanh nghiệp niêm yết.

Tại Việt Nam, năm 2020 mới có 1 doanh nghiệp là Vinamilk được vào TOP 100 doanh nghiệp có điểm quản trị cao nhất trong ASEAN. Đây cũng là doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông, không chỉ từ cổ tức và còn từ sự tăng lên của thị giá cổ phiếu./.