Đây là thông tin rất đáng chú ý của kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài trong năm 2020 được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố vừa qua.

Cụ thể, theo kết quả phản hồi từ 905/1.786 doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam do Jetro tiến hành khảo sát vào tháng 9/2020, tỷ lệ các doanh nghiệp dự báo có lãi trong năm 2020 là 49,6%, giảm 16,2 điểm so với 65,8% của năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 30,1%, tăng 9,9 điểm so với 20,2% của khảo sát năm 2019.

Tỷ lệ các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam dự báo có lãi trong năm 2020 là 49,6%

Lý giải cho nguyên nhân giảm sút số doanh nghiệp báo lãi, đại diện Văn phòng Jetro tại Hà Nội cho biết tương tự như các nước và các khu vực khác, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của virus Corona chủng mới nên tỷ lệ doanh nghiệp có lãi bị suy giảm. Tuy nhiên, cũng với Malaysia và Singapore, tỷ lệ này vẫn đạt mức cao trong khu vực ASEAN trong khi tại Indonesia, Philippines và Thái Lan, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi bị sụt giảm lớn.

Kết quả khảo sát này cũng cho thấy tác động của làn sóng dịch Covid 19 kéo dài khiến tỷ lệ lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán hàng và xuất khẩu đều ảnh hưởng. Ngay cả ở Việt Nam nơi được đánh giá là thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh trong nước thì lợi nhuận kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệ loại hình bán hàng nội địa vẫn chịu tác đông lớn. Cụ thể tại Việt Nam, tỷ lệ lợi nhuận của doanh nghiệp bán hàng nội địa giảm 17,7% so với kết quả khảo sát năm 2019, đạt 47%, tỷ lệ này ở doanh nghiệp xuất khẩu là 53%, giảm 13,5 điểm.

Đáng chú ý, vẫn có tới 53,9% doanh nghiệp cho rằng sẽ cải thiện về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2021 tại Việt Nam. 12,6% doanh nghiệp trả lời sẽ suy giảm so lo ngại về tác động trong tương lai. Mặc dù vậy, vẫn có tới 46,8% số doanh nghiệp Nhật tại Việt nam cho biết sẽ tiếp tục mở rộng định hướng phát triển kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới. Theo Jetro, đây là tỷ lệ cao trong khu vực chỉ sau Pakistan, Ấn Độ và Myanmar. Tuy nhiên, số doanh nghiệp trả lời sẽ thu nhỏ hoặc chuyển/rút sang quốc gia/khu vực thứ 3 tăng 3,3 điểm so với khảo sát năm 2019, đạt 6,1%, là mức thấp trong khu vực sau Pakistan và Đài Loan.

Tại thị trường Việt Nam các doanh nghiệp Nhật cho biết những lý do mở rộng kinh doanh một đến hai năm tới bao gồm "tăng doanh thu tại thị trường địa phương" (65,9%); "tăng doanh thu nhờ mở rộng xuất khẩu" (48,7%); và "mức độ tiềm năng và tăng trưởng cao" (44,1%). Như vậy, so sánh với các quốc gia/khu vực khác thì doanh nghiệp Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng vào "mức độ tiềm năng và tăng trưởng cao" và tăng “tăng doanh thu nhờ mở rộng xuất khẩu” là yếu tố để giúp tiếp tục cải thiện và gia tăng hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Hơn 50% doanh nghiệp trả lời về lợi thế của Việt Nam là tiềm năng thị trường và tiềm năng tăng trưởng, tình hình chính trị xã hội ổn định và chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng hệ thống phát luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch, hệ thống thuế/thủ tục thuế phức tạp và thủ tục hành chính phức tạp là những rủi ro tại Việt nam đã tăng lên đáng kể trong cuộc khảo sát năm 2020.

Đánh giá về tác động của sự lây lan diện rộng của Virus Corona chủng mới và mối tương quan với thời kỳ bình thường hóa kinh doanh, đại diện Jetro cho biết tại tất cả các quốc gia/khu vực bao gồm cả Việt Nam, nhiều phản hồi của doanh nghiệp Nhật cho rằng để bình thường hóa hoạt động kinh doanh sau sự lây lan dịch bệnh do Virus Corona chủng mới là trong năm 2021.

Trong đó, tại Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có câu trả lời trong năm 2021 bình thường hóa chiếm tới hơn 86%, chỉ một số ít, khoảng 10% sô doanh nghiệp trả lời là từ năm 2022 trở đi. Điều này cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Nhật đều tin tưởng ở hiệu quả và khả năng kiểm soát dịch bênh thành công của Chính phủ Việt Nam để tạo môi trường kinh doanh trong trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất cho các doanh nghiệp./.