Chính phủ yêu cầu các cơ quan bộ ngành địa phương khẩn trương xem xét xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp

Từ các vướng mắc của doanh nghiệp logistics

Báo cáo của Ban Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ đã nêu hàng loạt vấn đề vướng mắc mà các doanh nghiệp mà cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt. Cụ thể như các vấn đề bất cập của công tác hải quan và kiểm tra chuyên ngành; bất cập về phí cơ sở hạ tầng cảng biển, bất cập trong lĩnh vực thuế, đất đai, tài nguyên môi trường… Trong đó, thậm chí có vấn đề đã được các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.

Đáng chú ý, một trong những vấn đề vướng mắc khiến hàng loạt doanh nghiệp logistic hết sức bức xúc có liên quan đến việc triển khai thực thi Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đã được Tạp chí Kinh tế Dự báo phản ánh trong loạt bài viết gần đây.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định 128 đã và đang gây phản ứng mạnh và tức thì từ phía DN xuất nhập khẩu nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics nói riêng do bất cập cả ở khâu quy định và thực thi liên quan đến các điều khoản quy định về mức phạt lỗi khai báo muộn, lỗi sai trong khai báo bản lược khai hàng hóa (manifest), lỗi trong khai báo thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu không phân biệt giữa xuất nhập khẩu lần đầu hay nhiều lần, cố ý hay vô ý… Những lỗi này được quy định tại Điều 8, Điều 9 của Nghị định này.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc xử phạt theo quy định tại điểm a, b, c khoản 4, Điều 8 và điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định 128/NĐ -CP là chưa phù hợp với hoạt động thực tế. Việc triển khai thực hiện Nghị định 128/NĐ -CP hiện gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp và gây ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động ở vị trí nhân viên khai báo.

Thực tế được các doanh nghiệp phản ánh cho thấy hiện nay, chi phí phát sinh khi nhập sai hồ sơ hoặc nộp muộn hồ sơ đều do chính người lao động chịu trách nhiệm và chi trả. Mức lương trung bình doanh nghiệp trả cho nhân viên khai báo chứng từ dao động khoảng từ 6 đến 7 triệu đồng. Nếu thực hiện mức phạt như Khoản 4, Điều 8, Nghị định 128/NĐ - CP với mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng một lần khai sai thì vô tình đã đẩy người lao động vào hoàn cảnh túng quẫn vì đối diện mức phạt cao hơn một tháng lương của bản thân.

Bên cạnh đó, đối với việc xử phạt vi phạm hành chính khi khai báo thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu không phân biệt giữa XNK lần đầu hay nhiều lần, cố ý hay vô ý… Theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Nghị định 128/NĐ -CP thì thực hiện sửa tờ khai là bị phạt cho dù việc sửa đổi không làm thay đổi về thuế hay bản chất tên hàng chủng loại mà chỉ là sửa lỗi chính tả, hoặc thêm các thông tin phụ khác nhằm làm rõ nội dung khai báo cũng đều bị phạt. Các doanh nghiệp cho rằng trên thực tế, việc sửa tờ khai có rất nhiều nguyên nhân, cũng có nguyên nhân khách quan và chủ quan (do DN nhập khẩu sản phẩm lần đầu, do lỗi đánh máy của nhân viên khai báo... )

Ngoài ra, tại điểm a, khoản 1 và khoản 5 Điều 9 của Nghị định 128/NĐ -CP quy định rất rõ việc khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, giá trị hải quan, mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ chỉ bị xử phạt trong trường hợp số tiền thuế chênh lệch từ 500.000 đồng/tờ khai hải quan đối với vi phạm do cá nhân thực hiện, từ 2.000.000 đồng/tờ khai hải quan đối với vi phạm do tổ chức thực hiện. Điều này không thống nhất với quy định tại Điều 8.

Để khắc phục những vướng mắc này, báo cáo của Ban IV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính/Tổng cục Hải quan xem xét lại mức phạt đối với vi phạm do cá nhân thực hiện tại điều 9 Nghị định để phù hợp với thu nhập của người lao động hiện nay. Xem xét lại quy định tại Điều 8 của Nghị định, cho phép nếu DN khai báo cho mặt hàng lần đầu hoặc việc sửa đổi không ảnh hưởng đến thuế thì sẽ không bị phạt.

Đồng thời có văn bản hướng dẫn chi tiết cho cán bộ Hải quan ở tất cả các Chi cục Hải quan thống nhất khi thực thi các quy định tại Nghị định 128, và có góc nhìn hợp lý về hành vi vô tình hay cố ý để có mức xử phạt hợp lý.

Đến bất hợp lý phí cơ sở hạ tầng cảng biển

Một vấn đề bất cập khiến doanh nghiệp bức xúc cũng được Ban IV tổng hợp cáo Chính phủ liên quan đến chủ trương thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP. HCM bắt đầu thu từ ngày 1 - 7 -2021. Theo đó, mức phí thấp nhất là 15.000 đồng mỗi tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet.

Theo đánh giá của Ban IV, với lượng hàng hóa năm 2019 tại TP.HCM là hơn 170 triệu tấn, dự kiến TP.HCM sẽ thu hơn 3.000 tỉ đồng mỗi năm. Đây sẽ là gánh nặng làm tăng chi phí logistics cho DN, cũng như giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu và nền kinh tế nói chung.

Cũng về loại phí này, Thành phố Hải Phòng đã tiến hành thu phí từ ngày 1/1/2017. Các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đã nhiều lần kiến nghị loại bỏ. Tuy nhiên đến nay, sau 2 lần điều chỉnh không đáng kể, mức thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu vẫn ở mức cao, cụ thể với Container 20 feet mức thu là 230,000 đồng/container, Container 40 feet mức thu là 460,000 đồng/container, với Hàng lỏng, hàng rời mức thu là 14,000 đồng/tấn.

Theo nhận định của các chuyên gia được đề cập trong báo cáo của Ban IV, các mức phí và quyết định thu phí của Hải Phòng tới TP.HCM đều có dấu hiệu đi ngược hoàn toàn các quy định của Luật phí và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt quy định “đầu tư trước thu sau” và các yêu cầu làm rõ mức đầu tư, mức thu để bù chi (nếu có). Nhiều luật sư, tổ chức và hiệp hội DN đã có văn bản phân tích kĩ vấn đề này để trình Chính phủ, tuy nhiên các địa phương vẫn áp dụng gây xói mòn niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.

Một vấn đề khác liên quan thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển cũng được phản ánh là trong biểu phí của các tỉnh, việc áp dụng mức phí cho hàng hóa là container được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa trong khu vực cảng biển đang gây bất cập lớn.

Báo cáo của Ban IV cho rằng, khi phương tiện thủy nội địa hoạt động trong khu vực cửa khẩu cảng biển, chỉ sử dụng luồng đường thủy, không sử dụng công trình, cơ sở hạ tầng đường bộ, tuyến luồng đường thủy do Trung ương đầu tư, còn các cầu, bến trong cảng biển thì do doanh nghiệp đầu tư nên không có căn cứ tính phí của địa phương.

Mặt khác, theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, thị phần vận chuyển nội địa của đường thủy nội địa năm 2019 mới chiếm khoảng 18%, trong khi vận tải đường bộ chiếm 76.8%. Vì vậy việc gia tăng thị phần đường thủy nội địa thông qua tạo khác biệt về mặt chi phí sẽ góp phần giảm tải cho đường bộ, nâng cao an toàn giao thông, tiết kiệm chi phí vận tải chung và đóng góp tích cực vào việc giảm chi phí dịch vụ logistics đang mở mức cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Liên quan các vấn đề này, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, khi đề cập việc nhận diện các rào cản, bất cập, Ban IV cho rằng, các tỉnh không chứng minh được mức phí đưa ra phù hợp với các nguyên tắc của Luật Phí mặc dù các tỉnh có thẩm quyền về loại phí này.

Do vậy, Ban IV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có liên quan rà soát, làm rõ mức phí và thời gian thu phí theo đúng quy định của pháp luật về phí; trong đó cân nhắc tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong và sau bối cảnh đại dịch Covid 19, các bối cảnh khó khăn khác đang xảy ra đồng thời như ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tình trạng khủng hoảng của ngành logistics toàn cầu ...

Đồng thời xem xét không thu phí cơ sở hạ tầng đối với hàng hóa là container được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa trong khu vực cảng biển TP. HCM và Hải Phòng.

Chính phủ vào cuộc

Một điều rất đáng mừng là ngay sau khi nhận được báo cáo của Ban IV phản ánh hàng loạt các khó khăn vướng mắc cũng như kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ mới đây đã có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cơ quan bộ ngành địa phương khẩn trương xem xét giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý.

Cụ thể, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.Hồ Chí Minh và UBND TP.Hải Phòng nghiên cứu xem xét kiến nghị của Ban IV để xử lý các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 3/2021. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Điều này cho thấy Chính phủ hết sức quan tâm và rất quyết liệt kịp thời chủ trương tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một động thái liên quan được các doanh nghiệp logistic rất quan tâm là ngày 9/2/2021, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi các Cục hải quan địa phương và các cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định 128 nhằm thống nhất thực hiện Nghị định.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, đây là động thái kịp thời của cơ quan hải quan trong việc triển khai thực hiện Nghị định 128, tuy nhiên việc hướng dẫn thực hiện cần rõ ràng và đảm bảo tính thống nhất, thực thi linh hoạt của các cơ quan hải quan địa phương.

“Chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sớm có các giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay cũng như chỉ đạo việc hướng dẫn thực thi rõ ràng, cụ thể hơn, đảm bảo việc triển khai thực hiện của các cơ quan hải quan thống nhất giữa các địa phương. Đặc biệt việc xử lý các tình huống trên thực tế khi áp dụng Nghị định và ứng xử của các cơ quan hải quan hợp tình hợp lý, vừa đảm bảo tuân thủ đúng quy định nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy trình thủ tục”, lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ.

Ghi nhận từ các doanh nghiệp cho thấy, những bất cập trong mức phạt, chủ thể và đối tượng chịu phạt… tại Nghị định 128 vẫn là cốt lõi của vấn đề và đang gây nhiều khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Do đó, để thực sự giải quyết triệt để vấn đề tận gốc, cộng đồng doanh nghiệp hết sức mong mỏi Chính phủ sớm xem xét sửa đổi bổ sung Nghị định 128, sớm khắc phục các bất cập và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.