Khảo sát được thực hiện với các doanh nghiệp FAST500 nhằm phác họa bức tranh tăng trưởng toàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam, những yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên sự thành công của doanh nghiệp trong năm qua và những định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thách thức tăng trưởng của doanh nghiệp FAST500 trong năm 2020

Tình hình dịch bệnh khó lường; Nhu cầu thị trường biến động; Chi phí đầu vào tăng; Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới; Thủ tục hành chính phức tạp được các doanh nghiệp FAST500 cho là 5 thách thức và rào cản lớn nhất trong năm vừa qua.

Hình 3: Top 5 thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2020

(Hình 3)

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 03/2021

Bên cạnh các nhân tố tác động bên ngoài như đã đề cập phía trên, các doanh nghiệp FAST500 còn nêu ra 4 rào cản đến từ bên trong doanh nghiệp và ảnh hưởng tới tăng trưởng trong năm 2020 là: Tuyển dụng và giữ chân nhân sự; Quản trị doanh nghiệp; Thiếu thông tin về xu hướng thị trường và đối thủ cạnh tranh; Quản lý tỷ lệ nợ. Vấn đề nhân sự luôn là yếu tố then chốt để quyết định sự thành công của tổ chức.

Đối với nguồn cung lao động dồi dào như Việt Nam hiện nay, công tác tuyển dụng là hoàn toàn không khó. Tuy nhiên, để tìm được nhân viên có năng lực và gắn bó lâu dài với tổ chức không phải là câu chuyện đơn giản. Do vậy, đây tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm nay, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report.

Hình 4: Top 4 rào cản đến từ bên trong doanh nghiệp và ảnh hưởng tới tăng trưởng trong năm 2020

Các yếu tố đóng góp cho tăng trưởng doanh nghiệp FAST500

Đánh giá về những yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm vừa qua, dẫn đầu là Kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó khi dịch bùng phát (100%), theo sau là Mở rộng thị trường hiện có (59,1%), Sẵn có lao động có tay nghề với chi phí cạnh tranh (40,9%), Phát triển các phân khúc thị trường mới (40,7%) và Phát triển các dòng sản phẩm mới (27,3%).

Kết quả khảo sát trên là minh chứng cho thấy sự hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ thông qua việc ban hành các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn lực để cầm cự và trụ lại trong giai đoạn dịch mới bùng phát. Và hơn hết, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng đã thể hiện tính linh hoạt và nhanh chóng có các phương án ứng phó, thay đổi chiến lược vận hành và kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, bốn yếu tố còn lại liên quan đến mở rộng và phát triển thị trường, chất lượng và chi phí lao động, phát triển sản phẩm mới đều là các yếu tố đã đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp FAST500 trong giai đoạn 2015-2019 trước đó (kết quả từ khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tiến hành tháng 3 năm 2020).

Hình 5: Top 5 yếu tố đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2020

6 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp trong thời kỳ hậu COVID

Đáng chú ý kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các doanh nghiệp FAST500 nhận định rằng sẽ tập trung vào 6 ưu tiên chiến lược để vượt qua thách thức tăng trưởng trong thời gian này, đó là: Xây dựng hệ thống quản trị rủi ro/Lên các kịch bản kinh doanh (81,8%); Tăng năng suất lao động (81,6%); Mở rộng sang các thị trường mới (68,2%); Cải thiện chất lượng đội ngũ quản lý (63,6%); Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh (54,5%) và Cắt giảm chi phí (50,0%).

Trước những dấu hiệu tích cực từ việc nhập và sẽ tiêm rộng rãi vắc-xin COVID-19 cũng như tình hình các ca nhiễm đã được xử lý khẩn trương và kịp thời ngăn chặn của Việt Nam, 92,3% doanh nghiệp phản hồi lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm 2021 tại thị trường trong nước. Do vậy, khi được hỏi về kế hoạch dự kiến trong năm nay, có đến 86,4% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh và 13,6% doanh nghiệp sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.

Trước những biến động lớn của thị trường trong năm qua, các doanh nghiệp đã có những hành động ứng phó kịp thời và nhanh chóng thích nghi với bối cảnh mới. Bước sang năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã thận trọng hơn, điều này được thể hiện rõ nét khi có đến 81,8% doanh nghiệp cho biết chiến lược ưu tiên đầu tiên là xây dựng hệ thống quản trị rủi ro và lên các kịch bản kinh doanh.

Các chiến lược tiếp theo mà doanh nghiệp hướng tới trong năm nay là tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường, cải thiện chất lượng đội ngũ quản lý, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và cắt giảm chi phí. Điều đó cho thấy sự nhạy bén, khả năng tận dụng và nắm bắt cơ hội, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có của các doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Việc ký kết thành công hàng loạt các hiệp định FTAs với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã mở ra những cơ hội và triển vọng lớn cho Việt Nam. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc khẳng định vị thế của kinh tế Việt Nam, “miền đất tốt” thu hút các nguồn vốn đầu tư và là đòn bẩy cho phát triển.

Một điểm nổi bật trong Top chiến lược ưu tiên năm nay là 54,5% doanh nghiệp cho biết sẽ ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Cũng trong khảo sát mới đây được Vietnam Report thực hiện cho thấy, đa phần các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào an ninh mạng, các phần mềm quản lý nguồn lực và quản lý khách hàng, điện toán đám mây và dữ liệu lớn.

Một kết quả đáng mừng là 83,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ hiểu rõ về viễn cảnh tương lai của ngành và doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Như vậy, có thể thấy tại doanh nghiệp, các nhà quản trị - những người định hướng và quyết định sự thành công của tổ chức, đã quan tâm và chú trọng hơn đến việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hi vọng rằng trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ ứng dụng rộng rãi hơn nữa những công cụ hỗ trợ khác như Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence), Học máy (Machine learning), Ứng dụng thực tế ảo (VR/AR/MR),…

Hình 6: Top 6 ưu tiên về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2021

Tầm quan trọng của chuyển đổi số trong bối cảnh hậu COVID

Bước sang năm 2021, Việt Nam đang trên đà đi lên với những thành quả tích cực sau thời gian nỗ lực chung tay phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030. Thế giới đang không ngừng phát triển và tiến bộ, Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Do vậy, để hướng tới những mục tiêu lớn nhằm thay đổi đất nước, chuyển đổi số được coi là yếu tố cốt lõi giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển toàn diện.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, bốn vấn đề chính trong chuyển đối số gồm làm chủ hạ tầng số; làm chủ các nền tảng số; làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp; và làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Vietnam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Chuyển đổi số góp phần xây dựng xã hội số, thúc đẩy mạnh mẽ và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số có tác động rõ rệt và bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội và đối với doanh nghiệp, đây là một yếu tố vô cùng quan trọng, là “chìa khóa” giúp giải quyết nhiều “bài toán khó” trong quá trình quản lý và vận hành.

Chuyển đổi số đối với doanh nghiệp

Từ các khảo sát được Vietnam Report thực hiện cho thấy mục đích của doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi số là tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng ưu thế cạnh tranh, tìm kiếm và thu hút khách hàng, mở rộng kênh phân phối, tự động hóa quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng. Đây cũng chính là những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, nhờ đó các nhà quản trị doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định sáng suốt và kịp thời để không bỏ lỡ những cơ hội trong đầu tư, kinh doanh.

Trong thời đại kỷ nguyên số, công nghệ không còn là công cụ mà phải được coi là vấn đề chiến lược, doanh nghiệp nào cũng cần thực hiện để tồn tại và không bị tụt hậu. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã phá sản vì không thể thích ứng và thay đổi để theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ phía khách hàng. Cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số là như nhau và cuộc đua số hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, với đích đến là tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện thị phần của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà đó phải thực sự là việc thay đổi cách thức hoạt động của toàn bộ tổ chức với nền tảng công nghệ mới, hướng đi mới và mô hình tổ chức mới để có được những bước tiến đột phá và sáng tạo. Để làm được điều này, những nhà lãnh đạo cần nhận thức sâu sắc là doanh nghiệp mình đang có gì và đang cần gì. Việc nắm rõ doanh nghiệp đang có gì nhằm đánh giá về mức độ sẵn sàng thay đổi và khả năng thực hiện kế hoạch đã đề ra. Song song với đó, doanh nghiệp cần nắm rõ nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp mình là gì, từ đó lên lộ trình và vạch ra những việc cần làm để tiến hành chuyển đổi số. Trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi số, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật phản hồi, xây dựng hệ thống báo cáo, phân tích và đánh giá hiệu quả, qua đó, không ngừng học hỏi, nâng cấp và lựa chọn công nghệ phù hợp để áp dụng rộng rãi và lâu dài.

Trong quá trình chuyển đổi số có thể vẫn chưa đạt tới thành công nếu chưa tìm được hướng đi đúng với công nghệ phù hợp, nhưng nếu không thay đổi thì doanh nghiệp sẽ chắc chắn thất bại và không thể trụ lại thị trường. Do vậy, doanh nghiệp cần xác định chuyển đổi số là một chiến lược trọng tâm, là nhiệm vụ của toàn tổ chức và nghiêm túc thực hiện. Là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, với đội ngũ nhân sự trẻ đầy tài năng và sức sáng tạo, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc ứng dụng chuyển đổi số và khai thác các nguồn lực tiềm ẩn.

7 ngành dự báo có triển vọng tăng trưởng trong ba năm tới

Dự báo về những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong khoảng ba năm tiếp theo, Top 7 ngành được nhiều doanh nghiệp FAST500 đánh giá tiềm năng nhất là: Công nghệ thông tin/Viễn thông; Công nghiệp sạch; Dược phẩm/Y tế; Vận tải/Logistics; Điện/Năng lượng; Bất động sản/Xây dựng; Nông nghiệp sạch. Điều này cũng thể hiện đúng theo xu hướng phát triển hiện nay của các doanh nghiệp, đó là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và vận hành, song song với đó là quan tâm và chú trọng vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững (tiết kiệm vật tư - năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường và rác thải). Do vậy, khá nhiều doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp sạch, điện/năng lượng và nông nghiệp sạch trong 3 năm tiếp theo.

Dược phẩm/Y tế tiếp tục là ngành được các doanh nghiệp đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi nhu cầu về chăm sóc sức khỏe luôn là yếu tố được chú trọng hàng đầu, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Bên cạnh đó, sau một thời gian rơi vào khoảng lặng tạm thời do khó khăn chung của nền kinh tế thì ngành Bất động sản/Xây dựng đã bắt đầu trở lại với những “nốt thăng” đầy hi vọng cùng sự chủ động và linh hoạt thích ứng trước bối cảnh mới. Ngoài ra, với độ mở lớn như hiện nay, từ những hiệp định đã được ký kết, ngành Vận tải/Logistics là nhân tố tiềm năng được các doanh nghiệp FAST500 lựa chọn là một trong số các ngành sẽ có triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

Hình 7: Top 7 ngành tiềm năng trong ba năm tới

Cần vai trò của Chính phủ hỗ trợ khơi thông các nguồn lực

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang bước sang thời kỳ mới với nhiều cơ hội từ cả trong và ngoài nước. Năm qua, với sự chung tay và đồng lòng của cả nước và hàng loạt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng tự hào và được quốc tế ghi nhận.

Bước sang năm 2021, bên cạnh kết quả tăng trưởng đã đạt được, dịch COVID-19 tuy đã được kiểm soát và khống chế tại Việt Nam nhưng vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới. Điều này sẽ khiến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam gặp vấn đề trong việc lưu chuyển thương mại và cung ứng xuất nhập khẩu quốc tế.

Hình 8: Top 5 khuyến nghị chính sách từ doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động SXKD và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp

Do đó, các doanh nghiệp FAST500 bày tỏ kỳ vọng trong năm nay Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thuế, tăng cường các gói hỗ trợ và giảm lãi suất tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, hai vấn đề tiếp tục được đề cập đến trong Top 5 khuyến nghị của các doanh nghiệp FAST500 và mong đợi sẽ có bước tiến triển tích cực trong năm 2021 là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường pháp lý, từ đó xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giúp khơi thông các nguồn lực để tạo đà phát triển trong tương lai, tiến tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo định hướng bền vững./.