Nghiên cứu chỉ ra rằng dịch COVID-19 đã thay đổi cách thế giới vận hành và theo đó tác động đáng kể đến lĩnh vực xây dựng – lĩnh vực lớn nhất trong nền kinh tế toàn cầu với 13% GDP.

Trong đó, những thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực này được nhận định bao gồm: Có nhiều nhà đầu tư lớn và thông thái hơn tham gia xây dựng với yêu cầu cao hơn về quy mô và phân phối dự án; (2) Gia tăng mức độ quan tâm của khách hàng đối với các tòa nhà “thông minh” (ứng dụng kỹ thuật số như IoT, sử dụng năng lượng, vận hành hiệu quả…); (3) Khách hàng chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững trong ngành; (4) Lao động lành nghề trở nên khan hiếm và đắt đỏ; và (5) Các quy định và quy tắc xây dựng đang thay đổi, trở nên hài hòa hơn để tạo ra phương pháp xây dựng tiêu chuẩn.

Thị trường đang thay đổi, cùng với tiến bộ công nghệ và những nhân tố mới có tính đột phá dự báo sẽ tạo ra cú hích thay đổi toàn diện hoạt động của ngành và các doanh nghiệp. Những cú hích như công nghệ sản xuất mới, quá trình số hóa sản phẩm, số hóa các kênh bán hàng, công nghệ vật liệu mới đều được dự báo tăng lên so với giai đoạn trước.

5 thay đổi lớn nhất của thị trường XD-VLXD sau COVID-19

Kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục sau một năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 nhưng mức tăng trưởng chỉ đạt khoảng 4% vào năm 2021.

Trong khi đó, theo FMI, hoạt động xây dựng thường có độ trễ từ 12 đến 18 tháng so với suy thoái chung. Riêng đối với Việt Nam - một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm vừa qua, được kỳ vọng sẽ có bức tranh kinh tế tươi sáng hơn trong năm nay.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 31,6% số DN ngành XD-VLXD tham gia khảo sát cho rằng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong 6 tháng đầu năm và có tới 47,4% số DN dự báo sẽ tăng trưởng trong 12 tháng tới. Đáng chú ý, khoảng 15,8% số DN cho rằng sẽ có bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định trong 6 tháng tới.

Dự báo kịch bản chung cho hoạt động SXKD của toàn ngành

Một số xu hướng nổi bật

Bên cạnh những bất ổn và gián đoạn như đã phân tích ở trên, đại dịch cũng đã củng cố một số xu hướng đang diễn ra. Những xu hướng này sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến việc định hình thị trường trong thời kỳ hậu COVID-19. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 8 xu hướng nổi bật.

Một số xu hướng nổi bật trong thời kỳ hậu COVID-19

Đó là 8 xu hướng bao gồm: lấy khách hàng làm trung tâm và xây dựng thương hiệu; tính bền vững; Đầu tư vào công nghệ và cơ sở vật chất; Quản trị chuỗi giá trị và tích hợp với các chuỗi giá trị cấp ngành; Đầu tư vào con người và tài nguyên, nguồn lực; Chuyên môn hóa; Củng cố hệ thống quản trị; và Tiếp cận dựa vào sản phẩm.

Nghiên cứu chỉ ra rằng để có thể giành được sự tín nhiệm và tôn trọng từ khách hàng, DN cần cho thấy rằng cam kết với khách hàng là lẽ sống còn của mình, theo đó, phương pháp tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm (customer centricity) hiện đang trở thành một xu hướng nổi bật, nhất là trong một thị trường có nhiều đổi thay, dịch bệnh đã làm đảo lộn cuộc sống và tác động không nhỏ đến hành vi người tiêu dùng.

Với tính bền vững, đối với nhóm vật liệu xây dựng, hoạt động sản xuất xi măng đóng góp tới 7%-8% lượng khí thải carbon dioxide của thế giới. Do đó, áp lực cắt giảm khí thải đối với ngành công nghiệp này được dự báo sẽ gia tăng đáng kể trong khoảng ba thập kỷ tới. Các DN trong ngành hiện đang nỗ lực thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải bằng cách tăng cường sử dụng các nguyên liệu và nhiên liệu thay thế trong quá trình sản xuất xi măng. Ngoài các cuộc thảo luận về giảm thiểu carbon, các rủi ro khí hậu đang ngày càng gia tăng và cần có biện pháp ứng phó.

Đầu tư vào công nghệ và cơ sở vật chất, con người

Trong vài năm qua, nhiều DNXD hàng đầu đã áp dụng công nghệ mới và bước đầu lấy số hóa làm trọng tâm trong công việc. COVID-19 đã góp phần tăng tốc việc sử dụng công nghệ và quy trình kỹ thuật số trong ngành. Từ năm 2021 trở đi sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa cho các DN hình dung lại cách họ sử dụng công nghệ và dữ liệu để xây dựng khả năng phục hồi.

Bên cạnh đó, các DN trong ngành sẽ tiếp tục tăng cường việc xây dựng một lực lượng lao động có năng lực. Một lực lượng lao động đa dạng cung cấp nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hơn sẽ cải thiện việc ra quyết định, nâng cao mức độ gắn bó và giữ chân của nhân viên cũng như tăng lợi nhuận. Điều đó đòi hỏi sự đầu tư vào lực lượng lao động thông minh, có trình độ học vấn, đa dạng và các nhà lãnh đạo chiến lược, những người cộng tác với khách hàng và đối tác để cùng thành công.

Quản trị chuỗi giá trị và tích hợp với các chuỗi giá trị cấp ngành

Xu hướng này đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây. Các DN đang dần chuyển sang sở hữu hoặc kiểm soát các hoạt động quan trọng dọc theo chuỗi giá trị, chẳng hạn như thiết kế và kỹ thuật, sản xuất thành phần chọn lọc, quản lý chuỗi cung ứng và lắp ráp tại chỗ. Các DN có thể đạt được mục tiêu này thông qua tích hợp theo chiều dọc hoặc hợp tác chiến lược. Việc tích hợp hoặc kiểm soát chuỗi giá trị sẽ giảm thiểu xung đột và làm cho quá trình đổi mới diễn ra nhanh hơn.

Chuyên môn hóa

Để cải thiện tỷ suất lợi nhuận và mức độ khác biệt của mình, các DN trong ngành sẽ bắt đầu chuyên môn hóa các phân khúc và ngách mục tiêu để có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh thông qua việc sử dụng các vật liệu, phân đoạn hoặc phương pháp xây dựng khác nhau. Sự chuyển đổi theo hướng chuyên môn hóa cũng sẽ đòi hỏi các công ty phải nâng cao kiến thức và năng lực để duy trì lợi thế cạnh tranh của họ. Củng cố hệ thống quản trị

Để có thể tạo ra khả năng phục hồi lâu dài và gia tăng thị phần, trước tiên DN xây dựng phải nhìn vào bên trong và củng cố hệ thống tổ chức của chính mình. Không có chiến lược, công nghệ hoặc tầm nhìn điều hành nào sẽ thành công trừ khi nhân viên thống nhất trong sứ mệnh công ty và tất cả đều hướng tới việc đạt được thành công chung.

6 ưu tiên chiến lược kinh doanh năm 2021

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, các DN ngành XD-VLXD cho biết, họ sẽ tập trung vào 6 chiến lược chính: (1) Đảm bảo tốt hiệu quả, chất lượng, tiến độ của các dự án, công trình hiện có; (2) Tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường; (3) Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ; (4) Tiếp tục phát triển thương hiệu; (5) Đầu tư công tác nghiên cứu và phát triển (R&D); và (6) Đánh giá nguồn lực, tái cấu trúc doanh nghiệp.

Các ưu tiên chiến lược của DN ngành XD-VLXD trong năm 2021

So với thời điểm dịch bệnh bùng phát cách đây 1 năm, có hai điểm khác biệt lớn trong chiến lược kinh doanh năm nay. Một là thứ tự ưu tiên của các nhiệm vụ trọng tâm. Như đã phân tích ở trên, trong năm 2021 sẽ có một cuộc chạy đua quyết liệt nhằm bù đắp những mất mát trong giai đoạn trước, vì thế, ưu tiên hàng đầu đối với 91,7% DN trong ngành chính là đảm bảo tốt, hiệu quả các dự án, công trình hiện có.

Hai là xuất hiện xu hướng đánh giá, tái cấu trúc doanh nghiệp. Giai đoạn trước khi COVID-19 bùng phát, dòng tiền của DN gặp khó khăn, công tác quản trị DN chủ yếu tập trung vào quản trị tài chính. Tuy nhiên, sau một năm gồng mình chống chịu với dịch bệnh, 26,3% số DN ngành XD-VLXD cho biết họ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá nguồn lực, tái cấu trúc doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình diễn biến thị trường.

Phát triển thương hiệu trong thị trường có nhiều đổi thay sau COVID-19

Bên cạnh những chiến lược được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường có nhiều đổi thay sau COVID-19, “phát triển thương hiệu” tiếp tục là một trong những chiến lược ưu tiên trong năm nay.

Xây dựng và phát triển uy tín là mục tiêu quan trọng mà doanh nghiệp muốn hướng đến trong thời gian tới. Để đạt được điều đó, trước tiên doanh nghiệp cần xác định những yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược phát triển và nâng cao uy tín. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng nhiều nhất tới chiến lược của doanh nghiệp bao gồm: Kinh tế vĩ mô chuyển biến tốt; Sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19; Nút thắt trong chính sách bất động sản được gỡ bỏ; Khả năng kiểm soát dịch bệnh; Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam; Lãi suất giảm; và Sự biến động của giá nguyên liệu và phụ gia. Bên cạnh đó, từ phía doanh nghiệp, bàn giao dự án đúng tiến độ, năng lực tài chính, chất lượng công trình, chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, sự tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ là những yếu tố hàng đầu tạo nên uy tín của doanh nghiệp.

Top 7 yếu tố ảnh hưởng trên thang điểm 5 đến chiến lược phát triển và nâng cao uy tín của DN