Đây là một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp logistics quan tâm nêu lên tại Hội thảo “Một số rủi ro trong kinh doanh và cách phòng tránh” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức ngày hôm nay 30/3.

Cần thông tin kịp thời cho các bên liên quan

Đại diện VLA cho biết sự cố tắc nghẽn này gây đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bất cứ doanh nghiệp nào có hàng hóa vận tải qua đoạn đường này sẽ bị ảnh hưởng chậm trễ cung ứng hàng hóa, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

Siêu tàu Ever Given đã được giải phóng khỏi sự cố tắc nghẽn tại Kênh đào Suez từ hôm qua song còn nhiều vấn đề tiếp theo cần giải quyết

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc, ngay sau khi nhận thông tin về vụ việc, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký (VLA)cho biết đã có gửi thư tới cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập để hỗ trợ cung cấp thông tin. VLA cũng đề nghị cơ quan Thương vụ liên hệ Cục hàng hải Ai cập và Ban quản lý kênh đào Suez để có thông tin chính xác nhất về vụ việc, dự báo thời gian có thể giải phóng được con tàu nhằm có căn cứ thông tin gốc chính xác nhất chia sẻ cho hội viên. Từ các thông tin nguồn này, các doanh nghiệp logistics hội viên có thể thông báo lại cho khách hàng kịp thời nắm bắt tình hình và có kế hoạch phòng ngừa rủi ro, như chuyển các lô hàng sang đường hàng không trong trường hợp cần thiết.

“Tiếc là chúng tôi làm nhanh song cho đến sáng sớm hôm nay thì bên Thương vụ Ai Cập mới phản hồi trong khi theo thông tin chính thức thì tàu Ever Given đã được giải phóng từ hôm qua. Đây là nỗ lực của Hiệp hội trước mắt nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho hội viên để có kế hoạch hỗ trợ giải quyết cho các doanh nghiệp và khách hàng. Con tàu đã được giải phóng từ hôm qua song cũng còn nhiều vấn đề tiếp theo cần giải quyết, tuy nhiên các vấn đề này hiện nằm ngoài khả năng của Hiệp hội”, đại diện VLA thông tin.

Theo Luật sư Ngô Khắc Lễ, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trong trường hợp sự cố như thế này, các doanh nghiệp có liên quan cần cập nhật đầy đủ thông tin về hàng hóa, lịch trình và vị trí gặp sự cố của tàu để thông báo ngay cho tất cả các bên liên quan. “Nhiều khi trên hợp đồng mua bán ta chỉ nghĩ rằng có người mua và người bán, tuy nhiên còn các bên liên quan như người mua thì còn các đại lý, vậy nên người bán báo cho người mua, và thông tin tới các đại lý bên mua để báo cho khách hàng về sự cố”, ông Lễ khuyến cáo.

Bên cạnh đó, vị luật sư cũng lưu ý các doanh nghiệp trong các lô hàng thường xuyên có vận đơn, doanh nghiệp cần lưu ý lấy vận đơn để nắm được điều kiện vận chuyển và có cơ sở giải quyết khi có sự cố xảy ra. Cũng theo vị luật sư, cần xem trách nhiệm của hãng tàu thế nào vì có trường hợp hãng vận chuyển không có lỗi trong sự cố.

“Đi sâu cụ thể vào trường hợp này, thì bước đầu có thể thấy đây là lỗi trong hàng vận và quản trị tàu. Tuy có thể là lỗi thuộc về hãng tàu, song doanh nghiệp là chủ hàng cần nắm thông tin thông báo ngay, đặc biệt có lô hàng cần xử lý thì cung cấp thông tin kịp thời về vị trí nằm đâu trên tàu đề phòng trường hợp như vừa rồi thậm chí cơ quan chức trách Ai Cập đã phài tính cả tới phương án là nếu không giải cứu tàu ra được thì phải dỡ hàng”, ông Lễ khuyến cáo.

Theo ông Lễ, việc VLA làm là rất nhanh và có ý nghĩa thiết thực cho doanh nghiệp khi liên hệ ngay cơ quan sở tại, và đây cần là bài học kinh nghiệm sẵn sàng cho các trường hợp sự cố có thể xảy ra khi doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển trên toàn cầu vì luật pháp của địa phương rất quan trọng, trên cả các quy định khác.

Doanh nghiệp lo ngại tuyên bố tổn thất chung

Một vấn đề được doanh nghiệp rất quan tâm hiện nay là sau khi con tàu đã được giải phóng, có khả năng cao là hãng tàu gặp sự cố sẽ tuyên bố tổn thất chung, theo đó các bên liên quan có hàng đều phải chia sẻ phí tổn, tổn thất.

Liên quan đến vấn đề này, theo phân tích của Luật sư Lễ, trong trường hợp hãng tàu gặp sự cố sau này tuyên bố tổn thất chung và tuyên bố đó là đúng thì các bên được cứu thoát trong vụ việc này có nghĩa vụ đóng góp vào tổn thất chung theo thông lệ quốc tế.

Cụ thể, với trường hợp sự cố của tàu Ever Given, các giá trị có liên quan được cứu thoát có thể được xác định bao gồm: thứ nhất là giá trị chính con tàu, thứ hai là lượng dầu trên tàu, thứ ba là toàn bộ tiền cước thu được và thứ tư là toàn bộ giá trị hàng hóa. Trong bảng phân bổ tổn thất chung sẽ phân bố trách nhiệm có liên quan của các bên để đóng góp, sau đó đưa ra chi phí cụ thể trên cơ sở tính toán tổn thất và chia theo tỷ lệ trên giá trị mà phần chi phí phải bỏ ra.

Trong trường hợp này, theo ông Lễ, với giá trị cứu thoát các lô hàng nhỏ, trừ một số container chở các loại hàng hóa đặc biệt, thì giá trị được cứu thoát nhiều nhất có khả năng là giá trị con tàu, còn lại các lô hàng lẻ cũng theo cách thức đó để chia.

Ngoài ra ông Lễ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần lưu ý về vấn đề bảo hiểm bởi trong trường hợp này chắc chắc sẽ có nhiều bên cùng tham gia bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm hàng hóa, để có cơ sở giải quyết việc chia sẻ tổn thất trong trường hợp hãng tàu gặp sự cố tuyên bố tổn thất tới đây.

Tuy nhiên theo luật sư Lễ, để giải quyết được toàn bộ vấn đề tổn thất chung sẽ phải mất thời gian 1 đến vài năm, do đó sẽ là câu chuyện thời gian kéo dài mà các doanh nghiệp có liên quan cần chuẩn bị.

Doanh nghiệp cần chủ động khả năng thích ứng

Liên quan đến sự cố này, Bộ Công Thương mới đây cũng đã có khuyến cáo đến doanh nghiệp để giải quyết khó khăn cũng như khắc phục hậu quả sự cố. Cụ thể, theo Bộ Công thương, cùng với tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch Covid-19, sự cố tại Kênh Suez góp phần làm tăng thêm các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Các vấn đề trên cho thấy vai trò thiết yếu của logistics trong hoạt động phát triển kinh tế nói chung và phát triển thương mại nói riêng. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về chính trị, xã hội, thiên tai, dịch bệnh... chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng, đứt gãy bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng trước những biến động khắc nghiệt của thị trường. Đa dạng hóa và lên phương án dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp để có thể giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi có tình huống bất lợi xảy ra.

Để góp phần cùng doanh nghiệp giải quyết sự cố, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Mặt khác, cơ quan này cũng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nắm tiến độ giao hàng, làm hàng tại các cảng đầu mối để có biện pháp điều tiết cần thiết trong trường hợp sự cố tại Kênh Suez kéo dài./.

Ngày 23/3, tàu của Ever Given - một trong những tàu container lớn nhất thế giới - trên đường di chuyển từ châu Á sang châu Âu đã bị mắc cạn khi di chuyển qua Kênh đào Suez. Sự việc này khiến việc di chuyển của các con tàu khác theo cả hai hướng trên Kênh đào Suez đều bị dừng lại, gây ùn tắc tại khu vực này.

Kênh đào Suez dài 190km, là một trong những tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế. Khoảng 12% thương mại toàn cầu được vận chuyển qua kênh đào này. Năm 2020, gần 19.000 lượt tàu thuyền đã đi qua Kênh đào Suez với tổng trọng tải khoảng 1,17 tỷ tấn.

Trong trường hợp việc giải phóng và khắc phục sự cố tàu Ever Given kéo dài, nếu các tàu đi vòng qua Mũi Hảo vọng (Nam Phi) sẽ khiến hành trình từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể.

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD, và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. 2 tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu là 7,5 tỷ USD, và nhập khẩu 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%. Châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Hàn Quốc.

Ngoài một khối lượng nhỏ hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt, về cơ bản hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu vẫn được vận chuyển bằng đường biển, đi qua Kênh Suez. Do vậy, việc Kênh bị ngừng lưu thông sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu./.