Như vậy, với tỷ lệ nắm giữ chi phối, Gelex trở thành công ty mẹ và sẽ tiến hành hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera từ đầu quý 2/2021.

Đây là thương vụ M&A mà Gelex đã theo đuổi trong một thời gian dài khi mà Viglacera được kỳ vọng sẽ là sự bổ trợ đáng kể cho hoạt động kinh doanh, cũng như tác động tích cực đến các chỉ số tài chính của Gelex.

Với quy mô tương đương, việc hợp nhất VGC dự kiến sẽ làm tăng biên lợi nhuận gộp chung của Gelex. Trong những năm qua, với chính sách mở rộng thị phần lĩnh vực thiết bị điện, biên lợi nhuận gộp của Gelex dao động trong khoảng từ 15%-17%, trong khi biên lợi nhuận gộp của VGC là 25%.

Theo ước tính, doanh thu thuần sau hợp nhất VGC dự kiến tăng lên 28.600 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng 59% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tăng tăng 156% so với năm 2020. Đặc biệt, chỉ số EPS được cải thiện đáng kể so với năm 2020, dự kiến ở mức 3.350 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng 100% so với năm 2020.

Để phục vụ các hoạt động M&A cũng như các dự án hạ tầng, Gelex đã gia tăng nợ vay trong các năm qua. Khi hợp nhất một doanh nghiệp có hệ số tài chính rất lành mạnh như Viglacera sẽ giúp các chỉ số an toàn tài chính của Gelex được cải thiện.

(Số liệu đã bao gồm tất cả các khoản nợ tăng thêm phục vụ các dự án Hạ tầng của Gelex và Viglacera)

Việc hợp nhất VGC, một doanh nghiệp có hệ số tài chính lành mạnh sẽ giúp Gelex cải thiện các hệ số này, từ đó giúp gia tăng khả năng huy động vốn dài hạn cũng như giảm chi phí vốn vay trong tương lai.

Là một trong những nhà phát triển Bất động sản lớn nhất Việt Nam, Viglacera được kỳ vọng là động lực tăng trưởng của Gelex thông qua việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực phát triển khu công nghiệp và vật liệu xây dựng – những ngành dự kiến được hưởng lợi nhờ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch covid.

Sau hợp nhất, 2 bên kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất khu công nghiệp với mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng số các KCN của VGC lên hơn 20 KCN, với trên 10 KCN mới với tổng diện tích tăng thêm từ 2.000-3.000ha; duy trì mục tiêu phát triển quỹ đất khu công nghiệp dự trữ tối thiểu gấp đôi đất cho thuê hàng năm. Cùng với các dự án Gelex đang chuẩn hoàn thiện các thủ tục pháp lý như Khu công nghiệp Long Sơn, Khu công nghiệp Mộc Bài….. sẽ tạo nhiều dư địa tăng trưởng cho các năm sau của Gelex.

Việc hợp nhất Viglacera sẽ giúp Gelex tạo ra giá trị cộng hưởng lớn xuất phát từ quy mô và lợi thế của các bên, hiện thực hóa chiến lược phát triển khu công nghiệp và các tiện ích đi kèm, phát triển bất động sản giá rẻ, nhà ở xã hội mà Viglacera đã sẵn có bề dày kinh nghiệm cũng như uy tín trong cả hai lĩnh vực này. Đồng thời với các chỉ số tài chính được cải thiện sẽ giúp Gelex tiếp tục huy động các nguồn vốn dài hạn với chi phí hợp lý, mở ra các cơ hội đầu tư mới trong tương lai.

Tính lũy kế năm 2020, doanh thu thuần của GELEX tăng 17,2% so với năm 2019, đạt 17.949 tỷ đồng, vượt 449 tỷ đồng so với kế hoạch theo phương án không hợp nhất Viglacera. Lợi nhuận trước thuế tăng 10,8% so với 2019, đạt 1.187 tỷ đồng, vượt 61,45% so với kế hoạch năm; Trong đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt gần 791 tỷ đồng, tăng trưởng 31,11%; Lãi cơ bản trên cố phiếu đạt 1.659 đồng, tăng 41,43% so với năm 2019.

Về kết quả sản xuất kinh doanh của Viglacera, tính lũy kế cả năm 2020 ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.413 tỷ đồng, giảm 7,2% so với năm trước đó và vượt 12,4% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu từ mảng bất động sản đạt hơn 85 tỷ đồng (gấp 3 cùng kỳ). Doanh thu từ mảng bán hàng đạt 7.334 tỷ đồng – đóng góp khoảng 78% tổng doanh thu.

Lợi nhuận trước thuế đạt 840 tỷ đồng, vượt 12% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thế đạt 665,4 tỷ đồng, giảm 12,4% so với năm 2019, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 593 tỷ đồng./.