Giá trị huy động vốn tăng mạnh

Theo cập nhật của VBMA, từ đầu tháng 4 đến hết ngày 4/5, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 36 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước, với tổng giá trị phát hành đạt trên 29.579 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup, với giá trị phát hành 500 triệu USD.

37 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4/2021. Nguồn: VBMA

Diễn biến trên cho thấy, số lượng các đợt phát hành và giá trị vốn mà các doanh nghiệp huy động được qua kênh trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4/2021 tăng rất mạnh so với tháng 3/2021, khi ghi nhận 19 đợt phát hành, với tổng giá trị phát hành 8.035 tỷ đồng.

Trong tháng 4 vừa qua, ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị phát hành 15.189 tỷ đồng; tiếp đến là nhóm doanh nghiệp bất động sản, với tổng giá trị phát hành đạt hơn 10.940 tỷ đồng.

Giá trị phát hành theo nhóm ngành. Nguồn: VBMA

Giá trị phát hành theo kỳ hạn. Nguồn: VBMA

Các ngân hàng huy động lượng vốn lớn qua phát hành trái phiếu trong tháng 4 vừa qua như: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là một trong những tổ chức huy động vốn nhiều trong tháng 4/2021. Ảnh: Agribank

Diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, trật tự huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4 vừa qua có sự thay đổi, khi nhóm ngân hàng “soán ngôi” đứng đầu của nhóm doanh nghiệp bất động sản trong tháng 3/2021, để đứng ở vị trí huy động vốn nhiều nhất qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong tháng 4 vừa qua, không có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu ra công chúng. Trong khi đó, tháng 3/2021, Vingroup là tổ chức duy nhất thực hiện 2 đợt phát hành ra công chúng với giá trị vốn huy động 2.860 tỷ đồng.

Nhìn nhận về sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, một mặt ghi nhận thị trường đã và đang trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp, nhưng ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho rằng, sự phát triển nhanh của thị trường đặt ra một số rủi ro. Các doanh nghiệp đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu, nhưng nếu hoạt động gặp khó khăn, họ sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu, gây rủi ro bất ổn cho thị trường. Các tổ chức phân phối, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp như: ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán có rủi ro không thực hiện được các nghĩa vụ, cam kết với nhà đầu tư theo các điều khoản của trái phiếu, do không đáp ứng được các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

“Do đó, chúng tôi luôn khuyến nghị các nhà phát hành, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng đánh giá các rủi ro của việc sử dụng vốn, cũng như đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp…” ông Dương lưu ý.

Hàng loạt doanh nghiệp lên lịch gọi vốn

Dự báo diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới tiếp tục sôi động. Điều này phần nào thể hiện qua hàng loạt thương vụ phát hành sắp được tung ra thị trường. Theo tổng hợp của VBMA, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu. Chẳng hạn như, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dự kiến phát hành tới 1.500 tỷ đồng thành 3 đợt, trong 3 quý cuối năm (mỗi đợt 500 tỷ đồng). Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 1-2 năm, không có tài sản bảo đảm.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội có tham vọng phát hành tới 1.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp

Ba doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu là Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG).

Theo đó, Hội đồng quản trị của KSB đã thông qua chủ trương phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền trong quý II/2021, với tổng mệnh giá 350 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng.

Còn SBT dự kiến phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu có bảo đảm bằng tài sản, kỳ hạn tối đa 36 tháng, lãi suất 1 năm đầu 9,5%/năm, sau đó thả nổi bằng lãi suất cho vay trung dài hạn của Techcombank + 3,3%/năm.

GEG dự kiến phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay, để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo./.