Doanh nghiệp ngoại chiếm 65% thị phần

Mặc dù sản xuất thức ăn chăn nuôi luôn được đánh giá là lĩnh vực giàu tiềm năng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 13-15%, tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng đó, có một thực tế buồn là thị trường đang bị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “thâu tóm”.

Khảo sát thị trường thức ăn chăn nuôi cho thấy, sản phẩm do các doanh nghiệp nước ngoài, như: Cargill, Emivest... hiện đang chiếm lĩnh thị trường. Trong đó, chiếm thị phần cao nhất hiện nay là Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với 19,42%. Công ty CP còn đang nắm giữ 40% thị phần đối với ngành hàng gà công nghiệp; 50% thị phần đối với trứng công nghiệp tại Việt Nam. Trong tổng doanh thu của CP, doanh thu từ sản xuất thức ăn chăn nuôi là lớn nhất, chiếm 62,2%.

Theo đó, nhận thấy tiềm năng của thị trường trên, trong nhiều tháng gần đây, rất nhiều các công ty nước ngoài đã đến và xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, như: Tập đoàn Sojitz, Công ty Thức ăn Chăn nuôi Kyodo Shiryo...

Kết quả nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp (CSA) về “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ” cho thấy, mặc dù số lượng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp liên doanh và 100% vốn nước ngoài không nhiều nhưng lại chiếm tới 60–65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra. Ngược lại, khối doanh nghiệp tư nhân và nhà nước mặc dù có số lượng nhà máy lớn, nhưng lại chỉ chiếm 35–40% trong tổng sản lượng. Điều này chứng tỏ, năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội còn rất kém so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo thống kê của Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thành phẩm công nghiệp cho gia súc và gia cầm, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% trong nước khoảng 180 nhà máy; các doanh nghiệp liên doanh và 100% vốn nước ngoài có khoảng 59 nhà máy.

Nguyên nhân do đâu?

Lý giải cho thực tế này, Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài với lợi thế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất… đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị phần thức ăn chăn nuôi ngay trên sân nhà của các doanh nghiệp Việt.

Ngược lại, doanh nghiệp nội lại đang thiếu quỹ đất, thiếu chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu và quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Từ đó dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước chịu cảnh bị động trong sản xuất, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Thậm chí, ngành thức ăn chăn nuôi nội địa còn có nguy cơ trở thành các cơ sở gia công cho các thương hiệu lớn của nước ngoài.

Cũng theo Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, điểm yếu mấu chốt của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước là thiếu công nghệ sản xuất. Bằng chứng là, Premix là một loại sản phẩm bổ sung rất quan trọng trong ngành thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên số doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất loại sản phẩm này còn quá ít và quy mô rất nhỏ, chưa có tên tuổi hay thứ hạng trên thị trường. Trong khi đó, mỗi năm các công ty nước ngoài sản xuất hàng trăm nghìn tấn Premix bán trên thị trường Việt Nam mà không có đối thủ cạnh tranh.

Cho đến nay, tại Việt Nam chưa có một kết quả nghiên cứu nào về lĩnh vực phụ gia thức ăn để phổ biến vào sản xuất giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh, chủ động hạ giá, đồng thời cũng chưa có kết quả nghiên cứu về công nghệ có thể phổ biến đại trà ứng dụng vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Cần phải làm gì?

Trong Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ”, TS. Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp, Nông thôn Miền Nam (SCAP) cho rằng, để dần tiến tới đảm bảo công bằng trong thị trường thức ăn chăn nuôi, bên cạnh việc nhìn nhận đúng đắn vai trò của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nước ngoài trong việc thay đổi phương thức kinh doanh, tạo dựng thị trường mới, giới thiệu khoa học công nghệ mới và phát triển thị trường chăn nuôi trong nước, điều cần nhất là phải có biện pháp hữu hiệu để phá vỡ thế độc quyền và khả năng kiểm soát thị trường của một số doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bổ sung, người nông dân đóng vai trò quan trọng nhất trong chuỗi giá trị của toàn ngành chăn nuôi, nhưng lại bị lép vế hơn cả. Các đơn vị trung gian, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vô hình chung lại đang đóng vai trò “thống trị”, thu về phần lớn giá trị gia tăng. Muốn công bằng, Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ, sâu sát hơn để điều tiết, chi phối mọi khía cạnh, tránh những cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại không đáng có cho người chăn nuôi nói riêng, cũng như nền kinh tế nói chung.

Còn theo đại diện của Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi, để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc đầu tư cho việc sản xuất nguyên liệu, cần phải xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, các chính sách ưu đãi về vốn, đất sản xuất để các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cần được quan tâm hơn nữa.

Tổng hợp từ:

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141111/ca-map-tren-thi-truong-thuc-an-chan-nuoi.aspx

http://www.business.gov.vn/tabid/97/catid/10/item/12449/doanh-nghi%E1%BB%87p-ng%C3%A0nh-th%E1%BB%A9c-%C4%83n-ch%C4%83n-nu%C3%B4i-trong-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-kh%C3%B3-c%E1%BA%A1nh-tranh-v%E1%BB%9Bi-c%C3%A1c-doanh-nghi%E1%BB%87p-fdi.aspx

http://www.baohaiquan.vn/pages/san-xuat-thuc-an-chan-nuoi-ngoai-ap-dao-noi.aspx