Tiềm năng để phát triển

Tại nhiều nước trên thế giới, mô hình doanh nghiệp xã hội đã phát triển từ lâu và nhận được nhiều hỗ trợ của nhà nước. Như tại Mỹ, những nhà đầu tư đổ tiền vào doanh nghiệp xã hội sẽ không phải đóng thuế, còn tại Thái Lan, Chính phủ cũng dành 3% từ tiền thuế thu từ thuốc lá và hoạt động vũ trường để đầu tư vào doanh nghiệp xã hội…

Trong khi đó, tại Việt Nam mô hình doanh nghiệp xã hội vẫn còn khá mới mẻ. Theo trả lời của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trên Báo Petrotimes, Việt Nam là quốc gia có những điều kiện và mô hình tiêu biểu để phát triển loại hình doanh nghiệp này. Trước hết, Việt Nam vẫn định hướng theo mô hình xã hội chủ nghĩa, chú trọng nhiều vào việc giải quyết các vấn đề xã hội. Chỉ cần một định hướng như vậy thôi, doanh nghiệp xã hội đã có một dư địa rộng lớn để phát triển. Hiện Việt Nam đã có hơn 200 doanh nghiệp xã hội chính thức đăng ký hoạt động và hàng nghìn doanh nghiệp khác có ý định trở thành doanh nghiệp xã hội.

Thực tế như CIEM đã khảo sát trong những năm gần đây, rất nhiều thanh niên mới ra trường có khát khao cháy bỏng được góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của xã hội. Có nhiều người đã sẵn sàng từ bỏ công việc với mức lương hàng nghìn USD để tự mở một doanh nghiệp xã hội. Rất nhiều bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam đã phải trầm trồ ngạc nhiên với chính những doanh nghiệp này ở Việt Nam.

Tại Diễn đàn Đầu tư Xã hội Việt Nam 2014 lần thứ 2 diễn ra mới đây, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định lợi ích của các doanh nghiệp xã hội và cho rằng, với sự tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong những năm vừa qua, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho các hoạt động xã hội sẽ ngày một giảm. Vì vậy, việc phát triển các doanh nghiệp xã hội sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề về xã hội và môi trường khi các doanh nghiệp này cam kết dành ít nhất 51% lợi nhuận hằng năm cho hoạt động tái đầu tư các lĩnh vực môi trường, xã hội đã đăng ký.

Điển hình về sự thành công của doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, đó là Koto - trường đào tạo nghề nhân đạo đang sở hữu chuỗi nhà hàng ở Hà Nội và TP.HCM. Trong hơn một thập kỷ phát triển, trường đào tạo này chỉ nhận trẻ em lang thang, có hoàn cảnh khó khăn về đào tạo nghề dịch vụ, khách sạn và hướng nghiệp cho các em. Sau những khoá học như thế, nhiều nhân viên trẻ đã được nhận vào làm tại các nhà hàng và khách sạn có tiếng ở Việt Nam.

Một ví dụ nữa cũng phải kể đến, đó là Tòhe - một doanh nghiệp xã hội Việt Nam với sứ mạng mang đến cho trẻ em thiệt thòi một sân chơi với các hoạt động sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Tác phẩm của các em được chọn lọc, thiết kế và dùng làm họa tiết trang trí in trên các sản phẩm Lifestyle mang thương hiệu Tòhe và được phân phối tại thị trường Việt Nam và quốc tế. Một phần lợi nhuận được sử dụng để tiếp tục mở rộng chương trình lớp học sáng tạo và chương trình học bổng cho các em có năng khiếu. Tòhe cũng mong muốn gợi ý cho các em nhỏ về một lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nếu các em có khả năng.

Để doanh nghiệp xã hội phát triển?

Cũng tại Diễn đàn Đầu tư Xã hội Việt Nam 2014 lần thứ 2, ông Brook Taylor, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho rằng, để phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội thì doanh nghiệp cần phải đưa ra được phương án kinh doanh với mục tiêu vì cộng đồng đặt trên lợi nhuận. Nếu mô hình thực sự hiệu quả sẽ nhận được nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ.

Còn theo bà Laura Altinger, chuyên gia kinh tế cao cấp về lĩnh vực khí hậu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, để phát triển, bản thân các doanh nghiệp phải chứng minh, khẳng định vai trò của mình trong các hoạt động xã hội và tự lực tìm kiếm, tiếp cận với các nguồn tài chính, như: các nhà thiện nguyện, các quỹ tài trợ phi Chính phủ...

Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực của chính bản thân các doanh nghiệp xã hội, Nhà nước cũng cần xây dựng các chính sách cụ thể cho doanh nghiệp xã hội, xoay quanh những vấn đề trọng tâm, như: các chính sách khởi nghiệp cho doanh nghiệp xã hội. Đối với những doanh nghiệp xã hội đang hoạt động cần phải có những ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích về đầu tư, thuế, quỹ đất; hỗ trợ về tài chính, nhân lực; phát triển quỹ tài chính hoặc nguồn tài chính để giúp cho doanh nghiệp xã hội phát triển.

Mới đây, Luật Doanh nghiệp sửa đổi - được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 - khóa XIII, doanh nghiệp xã hội đã được thừa nhận là một hình thức doanh nghiệp, được tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp đã được quy định. Với các quy định này, hình thức doanh nghiệp xã hội đã chính thức được công nhận và hy vọng trong tương lai không xa sẽ trở thành một công cụ hiệu quả nhằm hỗ trợ Nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công và giải quyết các vấn đề của xã hội./.

Nguồn:

http://baodientu.chinhphu.vn/Gop-y-Hien-ke/Luat-hoa-de-doanh-nghiep-xa-hoi-phat-trien/215023.vgp

http://www.baohaiquan.vn/pages/can-khuyen-khich-phat-trien-mo-hinh-doanh-nghiep-xa-hoi.aspx

http://petrotimes.vn/news/vn/kinh-te/huong-di-nao-cho-doanh-nghiep-xa-hoi-o-viet-nam.html