Những ngày cuối năm 2014, nhiều hộ dân tại xã Yên Thịnh, Hữu Lũng (Lạng Sơn) đang tích cực chăm sóc những ruộng ớt bắt đầu ra quả. Do được Hợp tác xã Yên Thịnh bao tiêu toàn bộ sản phẩm và mức giá đã hợp đồng từ trước, nên nhiều hộ đang trồng ớt xuất khẩu ở đây rất yên tâm. So với trồng lúa, giá trị mang lại từ trồng ớt cao gấp 10 lần nên nhiều hộ đã quyết định tăng diện tích trồng ớt.

Anh Nguyễn Duy Toàn, Phó Bí thư Huyện đoàn Hữu Lũng cho biết, tình trạng thanh niên đi làm ăn xa diễn ra phổ biến tại Hữu Lũng. Trong khi quỹ đất tại địa phương vẫn chưa được tận dụng hết, một số công ty chế biến nông sản lại đang có nhu cầu về nguyên liệu. Vậy làm thế nào để “giữ chân” thanh niên gắn bó với quê hương, làm giàu tại địa phương là trăn trở của những người làm công tác đoàn.

Từ đó, ý tưởng thành lập một hợp tác xã nông nghiệp với các xã viên là đoàn viên thanh niên được hình thành. Sau gần 1 năm chuẩn bị, hợp tác xã đầu tiên do thanh niên làm chủ đã được thành lập tại xã Yên Thịnh với vốn điều lệ trên 300 triệu đồng và 14 hộ hội viên, ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp và cung ứng dịch vụ cho nông dân.

Để tạo việc làm cho thanh niên, ngay từ khi chuẩn bị thành lập, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã đứng ra ký hợp đồng với Công ty chế biến nông sản GOC, đóng tại tỉnh Bắc Giang sản xuất thử nghiệm 3 ha bí bao tử và 2 ha ngô ngọt và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Tham quan thực tế mô hình trồng cây Bí bao tử


Ngoài ra, Huyện đoàn còn hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả chậm cho các hộ. Tuy được hỗ trợ từ giống, kỹ thuật, phân bón, bà con chỉ bỏ công chăm sóc nhưng do đây là cây trồng mới nên nhiều hộ còn e ngại nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Để các hộ yên tâm sản xuất, Huyện đoàn đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc các cây trồng và tuyên truyền thành lập hợp tác xã thanh niên. Vụ đầu tiên trồng thử nghiệm, các cây trồng đều phát triển tốt, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng tại xã. Sau 35-70 ngày chăm sóc, bí bao tử và ngô ngọt đã cho thu hoạch. Trừ chi phí các hộ còn có lãi từ 1,4-5,5 triệu đồng/sào, đặc biệt là có thể tận dụng những khoảng đất trống để canh tác. Mỗi năm có thể trồng 2 vụ còn 1 vụ trồng lúa để đảm bảo nguồn lương thực.

Thành công bước đầu đã tạo được niềm tin trong cấp ủy, chính quyền và bà con, qua đó, nhiều hộ đã có nguyện vọng đăng ký tham gia. Từ hiệu quả của những cây trồng mới, Hợp tác xã đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện từ cấp ủy chính quyền xã, huyện trong việc hỗ trợ kinh phí tập huấn, trụ sở…

Hiện nay, Hợp tác xã đang phối hợp với chính quyền xã quy hoạch các cánh đồng để mở rộng sản xuất, thời gian tới sẽ tiếp tục đưa cây khoai tây và dưa chuột bao tử vào sản xuất. Anh Toàn cho biết thêm, tuy mới được triển khai song Hợp tác xã đã thu hút được thanh niên tham gia, đặc biệt số đi làm ăn xa đã giảm.

Là địa bàn gần với rừng đặc dụng Hữu Liên nên việc Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả sẽ hỗ trợ tốt cho công tác đoàn kết tập hợp thanh niên, giảm thiểu nạn phá rừng và giúp thanh niên làm giàu tại địa phương.