Cơ hội lớn…

Ngay sau Lễ ký kết Tuyên bố chung kết thúc đàm phán VCUFTA, trả lời Báo Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng - Trưởng đoàn đàm phán VCUFTA phía Việt Nam cho biết, Việt Nam đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với 3 đối tác rất quan trọng là Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan. Với Liên minh châu Âu, với những gì đã thỏa thuận thì tăng trưởng kim ngạch giữa hai bên sẽ ở mức từ 12%-15%.

Với Hàn Quốc sơ bộ tính toán cũng sẽ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên khoảng 15% và với Liên minh Hải quan mà chúng ta vừa mới kết thúc hôm nay thì sẽ tăng bình quân từ 18%-20%.

Với 3 thị trường này, trong đó Liên minh châu Âu là 500 triệu dân, Hàn Quốc hơn 40 triệu dân và Liên minh Hải quan 170 triệu dân thì chắc chắn đây là những thị trường tiêu thụ hàng hóa rất lớn, sức mua cũng rất cao bởi thu nhập họ rất lớn. "Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho chúng ta mở rộng, đẩy mạnh sản xuất và khai thác tiềm năng, lợi thế, như tôi đã nhấn mạnh là dệt may, giày dép, thủy sản và các mặt hàng chế biến khác", Bộ trưởng Hoàng cho biết.

Như vậy, các hiệp định mà Việt Nam đã đàm phán, ký kết và đang đàm phán chuẩn bị ký kết sẽ mang lại nhiều thuận lợi và ưu đãi, trước hết cho khu vực DN. Đặc biệt, Liên minh Hải quan sẽ cam kết dành thị trường với thuế suất ưu đãi bằng 0% cho toàn bộ sản phẩm thủy sản, toàn bộ sản phẩm công nghiệp giày dép, phần lớn sản phẩm trong lĩnh vực dệt may và cho một số sản phẩm công nghiệp chế biến, như: đồ gỗ, cà phê, chè nếu Việt Nam có khả năng xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu chất lượng.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương cũng nêu lưu ý, điều quan trọng mà các DN cần hiểu rõ là phải biết tận dụng, khai thác các ưu đãi mà hiệp định mang lại, nếu không, các ưu đãi sẽ rơi vào tay người khác.

Như vậy, các DN không những không đạt mục tiêu là tăng năng lực cạnh tranh mà còn bị thua ngay trên sân nhà. Do vậy, việc DN Việt Nam hiểu và tận dụng các cơ hội mà các hiệp định mang lại là rất quan trọng và mang tính quyết định, còn Chính phủ, nhà nước chỉ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, người thực hiện phải là DN.

Các DN không mặn mà?

Kết quả công bố ngày 07/8/2014 của một khảo sát do EIU - nhóm nghiên cứu của báo Economist thực hiện, tiến hành tổng hợp ý kiến của các nhà lãnh đạo cao cấp của 800 công ty tại Australia, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Trong các nền kinh tế nói trên, Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ lệ tận dụng cao các FTA (được 37%), sau Indonesia.

FTA được các DN Việt Nam tận dụng nhiều nhất là AFTA (FTA nội khối giữa các nước ASEAN) và ít nhất là AANZFTA (FTA giữa ASEAN với AustraliaNew Zealand).

Có khoảng 80% DN xuất khẩu được khảo sát tại Việt Nam cho biết, việc sử dụng các FTA giúp cải thiện hoạt động giao thương và tạo nên nhiều cơ hội giao thương mới. Có đến 52% DN Việt Nam được khảo sát cho biết đó là do các điều khoản của FTA quá phức tạp.

40% cho rằng do quy mô thị trường kém hấp dẫn và 38% cho biết vì lợi ích không đủ bù đắp khó khăn khi sử dụng. Những con số thống kê của EIU cùng với các phân tích nêu trên có thể là chưa đầy đủ, nhưng cũng phần nào giúp cho thấy, các DN Việt Nam chưa tận dụng rộng rãi các ưu tiên FTA.

Trên thực tế, nhiều khi các DN không hề biết tới sự tồn tại của các ưu đãi FTA. Một nguyên nhân quan trọng nữa là tính phức tạp và số lượng lớn các quy tắc của các FTA mà các DN phải tuân thủ khiến họ ngần ngại. Chỉ những sản phẩm đủ tiêu chuẩn mới có thể được hưởng các mức thuế suất ưu đãi của FTA. Nhưng làm thế nào để xác định một sản phẩm đủ tiêu chuẩn?

Tiếp theo, tùy vào nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu thuộc quốc gia nào mà FTA nào được áp dụng. Các DN xuất khẩu sản phẩm sang những nước khác nhau phải hiểu rõ và tuân thủ những quy tắc này.

Ví dụ, một sản phẩm làm ra ở Việt Nam và đủ điều kiện “có xuất xứ Việt Nam” theo ATIGA có thể được hưởng thuế suất bằng 0%, hoặc ít ra là thấp hơn mức thông thường khi xuất sang các nước ASEAN. Tuy nhiên, cũng sản phẩm đó, khi xuất sang Chi Lê, cho dù FTA giữa Việt Nam và Chi Lê đã ký kết và có hiệu lực, không có nghĩa là sản phẩm đó sẽ mặc nhiên được hưởng thuế suất ưu đãi theo FTA Việt Nam – Chi Lê. Là vì sản phẩm đó tuy đáp ứng các quy tắc xuất xứ của ATIGA nhưng chưa chắc đã đáp ứng các quy tắc xuất xứ theo quy định của FTA Việt Nam – Chi Lê.

Một lý do nữa khiến các DN không dùng ưu đãi của một FTA có thể là do tương quan giữa chi phí và lợi ích. Cơ quan hải quan ở nước nhập khẩu chỉ áp dụng mức thuế suất ưu đãi nếu hàng hóa đi kèm với một Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho biết nước xuất xứ của sản phẩm. Để có được C/O này, nhà sản xuất hay nhà xuất khẩu phải đảm bảo hàng hóa của họ đáp ứng các quy tắc xuất xứ phức tạp, chuẩn bị sẵn và lưu giữ các chứng từ liên quan và xuất trình kèm theo đơn đề nghị được cấp chứng nhận xuất xứ với cơ quan cấp C/O ở nước xuất khẩu.

Trong nhiều trường hợp, nhà xuất khẩu sau khi phải thực hiện nhiều việc để có được C/O phù hợp yêu cầu của FTA lại không được hưởng khoản tiền tiết kiệm được từ thuế nhập khẩu, mà người hưởng lợi lại là nhà nhập khẩu. Nếu nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu có quan hệ sâu, điều này không phải là vấn đề. Nhưng nếu giữa bên xuất khẩu và bên nhập khẩu không có mối quan hệ lâu dài nào khác, điều này có thể trở thành chuyện khó xử lý do người bán hàng trên thực tế phải làm mọi việc nhưng lại không có lợi ích gì.

Cần tận dụng cơ hội

Dù việc sử dụng các FTA không phải khi nào cũng đơn giản, khoản chi phí tiết kiệm được nhờ không phải nộp (hoặc nộp rất ít) thuế nhập khẩu vẫn có thể lớn hơn những phiền toái hay gánh nặng phải tuân thủ các quy định của FTA đối với các DN. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp mức thuế suất thông thường đối với hàng hóa cao hơn đáng kể so với mức thuế suất FTA ưu đãi – nghĩa là việc tận dụng các FTA nhìn chung luôn có lợi cho các DN, ít nhất là trên khía cạnh thương mại.

Nếu các DN có kế hoạch đáp ứng các yêu cầu xuất xứ nhằm giảm thiểu các vấn đề về bất tuân thủ hiệp định cũng như tránh những rắc rối không đáng có với cơ quan hải quan.

Tận dụng các ưu đãi FTA cũng có thể là một phương án thay thế tốt cho các DN không thể hoặc không muốn dùng các cơ chế miễn/giảm thuế khác – chẳng hạn như chương trình hoàn thuế hay miễn thuế của các chính sách thu hút đầu tư, bởi vì những đòi hỏi phức tạp của các cơ chế hoặc quy trình này./.