Cơ chế thị trường vào nước ta đã lâu. Và cũng đã lâu, người ta đã quen với những doanh nghiệp phi quốc doanh, những doanh nghiệp của những ông chủ tư nhân. Nhưng thực sự, tâm lý thích làm “người của nhà nước” vẫn còn hiện hữu trong đa số người dân, nhất là trong số thanh niên đến tuổi lao động. Bởi làm trong cơ quan nhà nước, hay doanh nghiệp nhà nước vẫn ổn định, “yên tâm hơn”. Còn làm trong doanh nghiệp tư nhân (DNTN), sức ép nhiều mặt, về cường độ lao động, khối lượng công việc, chế độ tiền lương… là rất lớn.

Các thống kê gần đây về tình hình dòng chảy lao động của các doanh nghiệp cho thấy, các biến động lao động của các DNTN là lớn nhất. Một điều dễ nhận biết là, tương lai phát triển của các doanh nghiệp không thể tách rời sự ổn định và chất lượng của nguồn nhân lực.

Chúng ta thử đi tìm, phân tích nguyên nhân của tình trạng này:

1. Tham vọng chiếm hữu nhân công đến mức tham lam

Các DNTN không chỉ ý thức rõ ràng về việc sở hữu tài sản, vốn, cơ sở vật chất mà còn cả những nhân viên của mình, thường thể hiện quyền sở hữu toàn diện đó trên những phương diện sau:

1.1 Thời gian làm việc không cố định

Rất nhiều người làm việc trong các DNTN than phiền rằng họ không mấy có khái niệm về thời gian làm việc, thường có việc là làm đến khi xong là thôi. Ban đầu thì những tưởng đây là yếu tố tích cực, nhưng khi kéo dài thì trở nên một sức ép khủng khiếp, không chịu nổi.

Các chế độ cho ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần, nghỉ phép hàng năm đều không rõ ràng. Nhiều nhân viên cần phải giải quyết công việc của mình hay khám sức khỏe trong giờ hành chính xin phép quá khó khăn. Áp lực kéo dài làm cho nhân viên luôn trong trạng thái mệt mỏi, đờ đẫn, không còn hứng thú tiếp tục công việc.

Rõ ràng là, con người ta chứ không phải cái máy. Máy móc còn phải bão dưỡng, bảo trì, mà vẫn hỏng hóc. Con người nếu kéo dài trạng thái “non stop” thì làm sao chịu thấu?

1.2 Không có giới hạn phạm vi công việc

Một trong những đặc điểm nổi bật của các doanh nghiệp tư nhân là một người kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, đồng thời phải thường xuyên nhận việc thời vụ. Một nhân viên kinh doanh có khi phải kiêm luôn cả công việc bán hàng, vận chuyển, sắp xếp hàng hoá, dọn vệ sinh kho bãi, hay trông kho, không biết họ là nhân viên gì?

Trong thời gian làm việc, không phân rõ giới hạn công việc làm cho người làm công, cứ làm một cách thiếu định hướng, thiếu tích cực, thậm chí tránh việc. Môi trường làm việc vì thế cũng thiếu đi sự công bằng, lâu ngày sẽ trở nên thiếu đoàn kết, mất trật tự.

2. Doanh nghiệp vận hành thiếu tính qui phạm, các qui định đề ra không được thực hiện nghiêm túc.

Một hệ thống các qui chế, qui định, nội qui mang tính chỉnh thể, chặt chẽ là điều cần có ở một doanh nghiệp, dù là vừa và nhỏ. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp không làm được việc này, thể hiện ở những điểm sau:

2.1 Cơ cấu không hoàn thiện, qui định không phát huy hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp không hẳn là không có một qui định nào đó, song những qui định này không có tính đại diện, khách quan cho đa số mà chỉ phục vụ cho nhóm nhỏ những người lãnh đạo. Những người đứng đầu này lại không phân nhỏ được trách nhiệm cho từng thành viên trong nhóm của mình nhằm triển khai thực hiện các qui định. Có doanh nghiệp số lượng nhân viên không hề nhỏ nhưng phân tầng vô cùng bất cập, trách nhiệm không rõ ràng, thực hiện không đồng bộ, thưởng phạt thiếu công bằng, minh bạch. Và trong tình trạng như vậy, qui định có cũng như không.

2.2 Qui định tập thể không bằng ý kiến một người, không phân tách rõ tình cảm riêng tư với công việc chung.

Trong quá trình kinh doanh không chỉ cần sự thấu hiểu giữa mọi người trong tập thể mà quan trọng hơn cả là sự quyết tâm theo đuổi mục tiêu của toàn doanh nghiệp. Tất cả những điều này không phụ thuộc vào mối quan hệ tình cảm của các thành viên doanh nghiệp mà cần dựa vào hệ thống cơ cấu, cơ cấu chung, quyền lực của mỗi cá nhân, mệnh lệnh cấp trên. Việc để tình cảm lấn át nguyên tắc điều hành công việc là điều tối kỵ, nhưng lại hay diễn ra ở các DNTN. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự bất mãn trong cộng đồng công ty. Điều tất yếu sau đó là chảy máu chất xám, vì người tài giỏi và trẻ tuổi không thể nào chịu sống trong một môi trường như vậy.

Với những phân tích như trên, hãy thử đi tìm lời giải cho bài toán của các DNTN.

Trước hết, có thể thấy, các nguyên nhân đã nói, lại là hệ quả tất yếu của một quá trình hình thành DNTN ở nước ta. Cũng như một cơ thể mới ra đời, DNTN còn rất non trẻ, vì thế rất non yếu về mặt tổ chức, về năng lực điều hành, quản lý. Mặt khác, giới chủ của các DNTN này, không ai khác, mới ngày hôm qua đa số là những tiểu thương buôn bán nhỏ, thậm chí là những người nông dân, họ cần có thời gian để bắt nhịp với phương thức làm ăn hiện đại.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám là sự chiếm hữu … tham lam. Đây là đặc tính cố hữu của những ông chủ tư nhân. Và điều đó đã phản lại chính họ. Tham vọng chiếm hữu quá lớn đã dội áp lực nặng nề lên nhân viên, khiến họ rơi vào trạng thái là tay chân làm lụng mang tính “lao công” cho ông chủ, chứ không phải là những cá tính sáng tạo như họ mong muốn.

Một nguyên nhân khác, là tâm lý “tiểu thủ công nghiệp”. Biểu hiện rõ nhất là nóng vội hưởng lợi, ham lời trước mắt đến mức vắt kiệt sức nhân công, thay vì phải xây dựng một đội ngũ nhân công giỏi giang và trung thành tận tuỵ. Đây cũng là một đặc điểm tâm lý mang tính cố hữu của không ít những ông chủ DNTN.

Đề cập đến “nguyên nhân của nguyên nhân” như trên, chúng ta có thể hình dung ra đáp án cho bài toán “giữ chân người tài” trong DNTN. Khái quát lại, đó là bản thân các ông chủ phải xây dựng cho mình một tâm lý, phong cách làm việc hiện đại, nhìn xa trông rộng; phải chú trọng xây dựng đội ngũ nhân công, thay vì vắt kiệt sức của họ, có chế độ nghỉ ngơi, đãi ngộ, thưởng phạt hợp lý; phân công, phân nhiệm rõ ràng, khoa học; xây dựng và triển khai thực hiện một hệ thống qui phạm quản lý doanh nghiệp; bỏ tính cách “gia đình trị”, thiếu tính chuyên nghiệp, để tình cảm riêng tư xen vào công việc.