Tăng trưởng được hỗ trợ bởi mức tăng mạnh của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trong khi các công ty tiếp tục tăng số lượng nhân công với một tốc độ nhanh.

Trong khi đó, dữ liệu mới nhất cũng cho thấy áp lực giảm phát đang xuất hiện, khi giá cả đầu vào và đầu ra đều tiếp tục giảm với một tốc độ nhanh hơn.

Chỉ số PMI toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - đạt mức 52,7 điểm trong tháng 12. Kết quả này đã tăng so với mức 52,1 điểm của tháng 11 và là kết quả cao nhất kể từ tháng 4. Tăng trưởng đã được ghi nhận trong 16 tháng liên tiếp.

Các điều kiện hoạt động được cải thiện chủ yếu là nhờ mức tăng trưởng cao hơn của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết nhu cầu khách hàng đã được cải thiện dẫn đến số lượng công việc mới tăng lên (và do đó là sản xuất tăng lên). Dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng và lượng công việc mới đều tăng với mức độ cao nhất trong tám tháng.

Kết quả khảo sát trong tháng 12 cho thấy nhu cầu đã tăng cả ở trong nước và quốc tế. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng nhanh và chỉ thay đổi một chút so với mức cao của bảy tháng trong tháng 11.

Với những yêu cầu về sản xuất cao hơn, các công ty tiếp tục tăng hoạt động mua hàng trong tháng 12. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng đã gia tăng thành mức nhanh nhất kể từ tháng 4 khi các công ty cũng muốn tăng lượng hàng tồn trong bối cảnh sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Kết quả khảo sát trong tháng 12 cho thấy tồn kho hàng hóa đầu vào đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, trong khi tồn kho hàng thành phẩm cũng tăng (lần thứ sáu trong sáu tháng). Các công ty báo cáo việc chậm giao hàng thành phẩm đã làm tăng lượng hàng tồn kho.

Năng lực sản xuất trong tháng 12 đã phải chịu áp lực nhẹ khi lượng công việc tồn đọng đã tăng tháng thứ hai liên tiếp. Các công ty đã giải quyết tình trạng này bằng cách tăng số lượng nhân công tháng thứ tư liên tiếp, với mức độ tăng là cao mặc dù đã chậm lại thành mức thấp nhất kể từ tháng 9.

Về mặt giá cả, dữ liệu khảo sát của tháng 12 cho thấy chi phí đầu vào trung bình của các nhà sản xuất Việt Nam đã tiếp tục giảm. Các công ty cho biết rằng giá cả của nhà cung cấp, chi phí vận chuyển và giá nhiên liệu đều đã giảm so với tháng 11. Dữ liệu mới nhất cho thấy giá cả đầu vào trung bình đã giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2012.

Với chi phí đầu vào giảm, các nhà sản xuất đã giảm giá cả đầu ra trung bình trong tháng 12. Áp lực cạnh tranh và nỗ lực thúc đẩy nhu cầu cũng đã góp phần làm giá cả đầu ra giảm với mức độ mạnh nhất trong thời gian một năm rưỡi./.