Thụ động trước hội nhập

Tại đối thoại trực tuyến “Hóa giải thách thức từ Cộng đồng kinh tế ASEAN” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 22/1/2015, ông Lê Vĩnh Sơn cũng chỉ ra, chỉ có 20% doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp quy mô lớn, có quan tâm.

Và đối với những doanh nghiệp này, khi được hỏi những hiểu biết về AEC, thì hầu như họ chỉ biết đến trụ cột 1 trong 4 trụ cột, và cũng chỉ quan tâm nhiều đến vấn đề di chuyển về hàng hóa.

Ông cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam thiếu hẳn các kiến thức để hội nhập. Hầu hết doanh nghiệp rất thụ động, không hề biết gì đang chờ đợi mình phía trước khi hội nhập đã đến rất gần. Vì vậy, khi thực thi cam kết AEC, các doanh nghiệp của ASEAN và ASEAN+ năng động hơn, cạnh tranh hơn vào Việt Nam sẽ gây tổn thương cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối thoại trực tuyến “Hóa giải thách thức từ Cộng đồng kinh tế ASEAN”

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, nếu tính theo thang điểm 10, thì sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam với AEC là dưới 5 điểm.

Tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều nhất

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, thách thức lớn nhất khi Việt Nam tham gia AEC là vấn đề cạnh tranh toàn diện, không chỉ trên thị trường nước ngoài mà ngay tại thị trường trong nước; không chỉ các doanh nghiệp đến từ các nước ASEAN mà còn đến từ các nước ASEAN+ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh: “Việt Nam phải cạnh tranh không chỉ về hàng hóa mà còn về dịch vụ, đầu tư, sự di chuyển của nguồn lao động có kỹ năng. Hàng hóa, dịch vụ của nhiều nước ASEAN cao hơn Việt Nam, tương đồng với sản phẩm của Việt Nam. Các nước ASEAN và ASEAN+ có bề dày kinh tế thị trường, chuẩn bị tốt hơn, sẵn sàng, chủ động hơn; trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang phải nỗ lực để vượt qua những thách thức do những bất ổn trong kinh tế vĩ mô những năm vừa qua”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng cho biết, nếu không có đầu tư đổi mới để nâng cao cạnh tranh, thì Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của các nước trong khu vực.

Trong ngắn hạn, sản xuất tiêu dùng sẽ đối mặt với cạnh tranh nhiều nhất. Ngay bây giờ, lĩnh vực phân phối bán lẻ của các nước trong khu vực đang xâm nhập vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là Thái Lan, mà tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện lại đang rất ưa chuộng hàng ngoại./.