Cụ thể, trong tháng đầu tiên của năm 2015 đã có là 9.772 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, chỉ có 6.867 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 31.701 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2014 về số doanh nghiệp (6.867 doanh nghiệp) và giảm 27,5% về số vốn đăng ký.

Trong đó, Tây Nguyên là vùng có mức suy giảm lớn nhất trong cả nước về số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, giảm 62,9%; tiếp theo là Đồng bằng sông Cửu Long giảm 8,1%. Các vùng còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ, trong đó, Đồng bằng sông Hồng tăng 15,6%; Trung du và miền núi phía Bắc tăng 10,5%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung tăng 4,8%; Đông Nam Bộ tăng 3,4%.

Trong tháng 1/2015, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 4,6 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 103.511 lao động, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thì trong tháng 1/2015 vẫn có một số tín hiệu lạc quan, đó là: số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh của cả nước đã giảm 3,4%, cùng với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 20,9% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, tháng 1/2015 cũng ghi nhận sự vươn lên của một số ngành, lĩnh vực hoạt động khi có sự gia tăng về doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ, như: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 147,6%; Giáo dục và đào tạo tăng 44,9%; Kinh doanh bất động sản tăng 41,9%; Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 30,8%...