Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, trước những đe dọa về chất lượng và sự phát triển không bền vững của ngành sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã tiến hành tái cơ cấu ngành bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật cho cả vật nuôi, cây trồng; phát triển sản xuất gắn với thị trường và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng giá trị gia tăng trong sản xuất.

Trong đó, doanh nghiệp với vai trò là chủ thể chính trong thực hiện mô hình liên kết 4 nhà, là yếu tố quyết định thành công trong việc tạo vùng nguyên liệu ổn định, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít, bởi các chính sách đầu tư kém thu hút và cũng bởi ngành này có nhiều rủi ro (thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh...) và chi phí đầu tư lớn.

Từ thực tế đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các thông tư hướng dẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách ban hành thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư hướng dẫn nội dung về danh mục, hoạt động được hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp; Bộ Y tế ban hành quy định danh mục cây dược liệu; Bộ Tài chính có thông tư hướng dẫn về thanh quyết toán...

Thứ trưởng Hiếu nhấn mạnh: “Với việc ban hành Nghị định và các thông tư hướng dẫn được kỳ vọng sẽ khuyến khích được nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này”.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã có các trao đổi, tham gia ý kiến về một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai trong thực tế. Trong đó, vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm đó là cơ chế hỗ trợ tài chính.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Rừng Việt Tây Bắc, toàn bộ khoản hỗ trợ theo Nghị định 210, doanh nghiệp sẽ được hoạch toán là khoản thu nhập khác. Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và hướng dẫn của Bộ Tài chính, khoản thu này doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế 22%. Như vậy có nghĩa là, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp 100 đồng, nhưng lấy lại 22 đồng. Điều này sẽ làm giảm sự nhiệt tình của các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, để đảm bảo 100% vốn hỗ trợ của Nhà nước, ông Nguyễn Văn Tuấn đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ để toàn bộ các khoản hỗ trợ này không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc có thể tính cả mức thuế này vào khoản hỗ trợ để tăng số tiền hỗ trợ lên.

Một số doanh nghiệp khác cũng nêu những vướng mắc còn nảy sinh ở nội dung thanh toán tiền hỗ trợ vận chuyển. Cụ thể, để được hưởng hỗ trợ tiền vận chuyển, doanh nghiệp phải là đối tượng trực tiếp vận chuyển sản phẩm đi bán, điều này không phù hợp với cơ chế thị trường. Bởi trong nhiều trường hợp, đối tác mua sản phẩm tự bỏ chi phí vận chuyển, doanh nghiệp bán hàng ngay tại cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phải trừ chi phí này ngay trong giá bán.

Tại Hội nghị, đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã lắng nghe ý kiến của các đại diện tham dự. Những ý kiến này sẽ được các bộ có liên quan tổng hợp và báo cáo Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi nếu như có nội dung không phù hợp với thực tiễn đặt ra./.