Kinh tế tri thức phát triển ì ạch

Tại Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng nay (31/3), nhiều đại biểu đã không khỏi ngậm ngùi khi nghe về sự ì ạch trong phát triển kinh tế tri thức của nước ta.

Theo xếp hạng của Worldbank về chỉ số kinh tế tri thức (KEI), năm 2012, Việt Nam đứng thứ 104/106 nước và lãnh thổ. So sánh với những nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng trên 4 nước, đó là: Indonesia, Lào, Cambodia, Myanma.

Đáng chú ý là chỉ số sáng tạo toàn cầu, năm 2012, Việt Nam tụt sâu xuống thứ 76/141 nước, trong khi năm 2011 đứng thứ 51/125 nước. Cùng với đó, chỉ số cạnh tranh GCI của Việt Nam năm 2012-2013 là 4,11, xếp thứ 75/144 nước, trong khi đó Philippine đứng thứ 65, Indonesia thứ 50, Thái Lan thứ 38 và Malaysia thứ 25.

Đánh giá nền kinh tế tri thức của Việt Nam theo 3 giai đoạn phát triển của M.Porter, thì Việt Nam vẫn đang giậm chân tại chỗ trong giai đoạn 1. Trong khi đó, Philippine đang chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2; Indonesia, Malaysia, Trung Quốc đang ở giai đoạn 2; Singapore, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc đang trong giai đoạn 3.

Nhận định về vấn đề này, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền kinh tế Việt Nam cơ bản vẫn là gia công, bán tài nguyên, nhập công nghệ mà phần lớn là công nghệ thấp từ nước ngoài, chưa phát huy được khoa học công nghệ quốc gia, năng lực trí tuệ của dân tộc. Chính sự lãng phí vốn và tài nguyên, không dựa nhiều vào nguồn lực trí tuệ, không được quản trị tốt đã dẫn đến những bất ổn và suy giảm kinh tế nghiêm trọng trong những năm gần đây.

“So với các nước hoặc nền kinh tế có điểm xuất phát tương tự, thì sau 30 năm họ đã phát triển vượt lên hiện đại hóa và có khoảng cách khá xa với nước ta, như: Hàn Quốc, Đài Loan... càng cho thấy Việt Nam bị tụt hậu trong phát triển kinh tế như thế nào”, TS. Hồ cho biết.

Cần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển kinh tế tri thức

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân bày tỏ những lo ngại về nền kinh tế tri thức phát triển ì ạch, tụt hậu của nước ta, và đặc biệt nhấn mạnh: “Cần thiết phải phát triển đất nước bằng khoa học công nghệ, vì đây là còn đường mà các nước, như: Singapore, Đài loan và Trung Quốc đã đi qua và đã thành công”.

Cũng tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tri thức và cho rằng, doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới công nghệ quốc gia, là địa chỉ ứng dụng công nghệ quan trọng nhất của nền kinh tế.

Bộ trưởng Quân chia sẻ: “Điều đáng mừng là doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước nhận thức được vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển bền vững của mình. Có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ thông qua quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, như: TH True Mart, Kova, Viettel...”.

Không chỉ có doanh nghiệp trong nước, khối doanh nghiệp FDI cũng đã tin tưởng hơn vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam và vì vậy đã đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, phát triển công nghệ ở Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, nếu như trước đây các doanh nghiệp FDI hầu như không quan tâm đến việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam, mà chủ yếu là lắp ráp và đóng gói, thì giờ đây, các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới khi đầu tư vào Việt Nam đã quan tâm hơn trong vấn đề này, điển hình là Samsung với 3 trung tâm R&D, thu hút hơn 3.000 cán bộ của Việt Nam vào làm việc.

Theo đó, với tư cách là đại diện của cơ quan xây dựng chính sách về khoa học công nghệ, Bộ trưởng Quân hứa sẽ báo cáo Quốc hội để có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và xây dựng những đơn vị nghiên cứu nhiều hơn nữa, giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm mới, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chỉ có thúc đẩy doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, nền kinh tế Việt Nam mới rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới, chí ít nếu doanh nghiệp FDI gặp khó khăn phải rút về nước thì chúng ta có thể kế tục được công việc nghiên cứu và phát triển của họ”./.