Đó là phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp - Báo cáo thường niên doanh nghiệp năm 2014, do VCCI tổ chức ngày 15/4 tại Hà Nội.

Theo Báo cáo Thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2014 của VCCI, trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong trong nền kinh tế quốc dân, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho 25 triệu lao động nông nghiệp.

Tuy vậy, sự phát triển của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chất lượng chưa cao, năng suất thấp.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do sự thiếu vắng doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt phát triển trong lĩnh vực này.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết: dù là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhưng tỷ trọng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản rất nhỏ.

Số lượng doanh nghiệp đã tăng từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007 lên 3.635 doanh nghiệp năm 2013, tuy nhiên tỷ trọng doanh nghiệp lại có xu hướng giảm đi từ 1,6% xuống còn 1% trong giai đoạn 2007-2013, trong khi khu vực nông nghiệp chiếm tới gần 20% GDP của cả nước. Đây là một điều trăn trở cần giải đáp.

Cũng theo ông Lộc, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho nông nghiệp, như thời điểm lịch sử có tính chất quan trọng nhất của Việt Nam là khoán hộ, đây là cuộc cách mạng trong nông nghiệp, trao quyền tự chủ cho nông dân.

“Đến giai đoạn hiện nay có lẽ chúng ta cũng đang chờ đợi một đột phá nữa không chỉ trong thể chế, cơ chế, mà đổi mới về cơ cấu, tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân và chúng ta cũng hy vọng một trong những đột phá sẽ là từ nông nghiệp, có lẽ động lực sẽ là từ doanh nghiệp, chứ không phải kinh tế hộ gia đình nữa”, ông Lộc chia sẻ.

Doanh nghiệp gắn liền với kinh tế hộ gia đình sẽ tạo nên đột phá trong giai đoạn thứ hai.

“Động lực từ doanh nghiệp gắn với quản trị hiện tại, gắn với công nghệ cao và các chuỗi giá trị toàn cầu, phải chăng đây chính là giai đoạn đột phá thứ hai của nền nông nghiệp nước ta?”, ông Lộc đặt vấn đề.

Đồng tình với nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, ông Mai Xuân Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết, định hướng phát triển của Việt Nam là xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Trong đó tập trung kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, tiêu thụ nông thủy sản. Vai trò của doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc liên kết hiện nay còn mờ nhạt, thiếu tính bền vững.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hà Công Tuấn nhận định, thực sự sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu gắn với kinh tế hộ, chuỗi sản xuất của chúng ta vẫn là sản xuất tiêu thụ sản phẩm thô, nên cơ hội đầu tư nâng cao giá trị còn rất nhiều.

Trong thời gian qua, nguồn lực đầu tư xã hội vào Nông nghiệp chưa nhiều, năm 2014, tổng đầu tư xã hội cho nông nghiệp khoảng 61.000 tỷ đồng, trong đó: 26.500 tỷ đồng là từ ngân sách.

“Như vậy, chúng ta chưa thu hút mạnh khu vực tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp”, Thứ trưởng Tuấn chỉ rõ.

Ngành nông nghiệp mới có khoảng 3.500 doanh nghiệp hoạt động, chiếm chưa đầy 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Ngoài các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước và một vài doanh nghiệp FDI, thì còn lại đa số là các doanh nghiệp siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu.

“Trước đòi hỏi phải gắn với thị trường, thích nghi với điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm chúng ta phải tham gia thị trường quốc tế và yêu cầu phát triển bền vững, sản xuất xanh với yêu cầu giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên, thì chắc chắn không ai khác phải là doanh nghiệp làm được việc này”, Thứ trưởng nói.

Tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, VCCI sẽ xây dựng chương trình hợp tác để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, để làm sao các doanh nghiệp này sẽ không phải là con số 1, mà là con số 10, 20.

“Như vậy, doanh nghiệp trong nông nghiệp sẽ có bước đột phá trong thời gian tới”, ông Lộc khẳng định./.