Tại Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh” do VCCI tổ chức ngày 13/5, nhiều đại biểu cho rằng các quy định về doanh nghiệp xã hội trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn còn chưa phù hợp và thiếu sót.

Nói về điểm chưa phù hợp, ông Vũ Phương Đông, đại diện của trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, quy định việc hạn chế thành viên, cổ đông của doanh nghiệp xã hội muốn chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho pháp nhân, cá nhân khác phải có cam kết tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội của các pháp nhân đó là không cần thiết và sẽ hạn chế quyền tự do của nhà đầu tư.

Theo ông Đông, khi thành lập doanh nghiệp xã hội, các thành viên sáng lập đã cùng nhau thỏa thuận những nội dung về thực hiện mục tiêu xã hội và được ghi vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều lệ của doanh nghiệp. Vì vậy, việc thành viên, công ty chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của mình cho nhà đầu tư khác hoàn toàn không ảnh hưởng tới việc mục tiêu đã đặt ra. Nếu các thành viên, cổ đông mới của công ty không có cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, thì họ vẫn phải thực hiện theo những quy định tại điều lệ của công ty.

Cũng tại Hội thảo, đại diện của Tập đoàn Vingroup, ông Trần Đăng góp ý về việc các quy định hiện hành chưa cho phép các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được chuyển đổi trực tiếp thành doanh nghiệp xã hội.

Theo ông Đăng, hiện tại, thống kê cả nước cho thấy có khoảng 300 quỹ từ thiện hoạt động với mục tiêu xã hội giống doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, khi các quỹ này muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội, thì phải đi đường vòng đó là: giải thể quỹ, sau đó thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, dẫn tới mất thời gian và không đạt được mục đích của các sáng lập viên là chuyển đổi mô hình hoạt động và kế thừa các hoạt động, cũng như tài sản đang có. Vì vậy, theo ông Đăng, Nghị định hướng dẫn về doanh nghiệp xã hội nên có quy định phù hợp nhằm giúp các quỹ có mong muốn chuyển đổi được tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Nhiều ý kiến của đại biểu tại Hội thảo cũng cho rằng, các quy định về đặt tên doanh nghiệp xã hội chưa thực sự phù hợp, từ đó kiến nghị nên quy định theo hướng đặt tên doanh nghiệp xã hội bao gồm hai thành tố: Cụm từ doanh nghiệp xã hội và tên riêng, sau đó quy định cụ thể mô hình hoạt động của doanh nghiệp để tên doanh nghiệp được gọn gàng, thanh thoát hơn. Ví dụ như, thay vì đặt tên công ty là “Công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội Bình Minh” theo Dự thảo Nghị định hướng dẫn về doanh nghiệp xã hội hiện hành, thì với kiến nghị trên, công ty sẽ được đặt tên là “Doanh nghiệp xã hội Bình Minh” hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Lắng nghe những góp ý của các vị đại biểu, Ban soạn thảo đánh giá cao những ý kiến trên và cho rằng đây là cơ sở để Ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa và bổ sung quy định trong các nghị định hướng dẫn của Luật Doanh nghiệp 2014 cho phù hợp, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển./.