Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng cho biết, nguồn tài thiên nhiên của Việt Nam đang cạn kiệt, cùng với đó tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, các vấn đề về thực phẩm bẩn liên tiếp xảy ra... Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà không để ý đến đạo đức kinh doanh, cũng như các hệ lụy sau này.

Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp cần thay đổi tư duy quản trị và có tầm nhìn xa hơn để nâng cao năng suất gắn liền với phát triển bền vững. Đặc biệt, khi hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, các doanh nghiệp cần phát huy những thế mạnh sẵn có để trụ vững trên thị trường, duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cần chủ động tìm kiếm hướng đi mới, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội do xu thế phát triển bền vững trên toàn cầu mang lại.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cam kết, Chính phủ sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện năng suất, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong thời gian tới, những thứ cản trở đến sự phát triển của doanh nghiệp nhất định phải được gỡ bỏ, còn những nhân tố giúp ích cho môi trường kinh doanh sẽ được cổ vũ.

Đồng ý với những ý kiến trên của Phó Thủ tướng, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề cao vai trò quan trọng của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong việc thực hiện các giải pháp bền vững và cho rằng, doanh nghiệp cần phải xem xét những khó khăn, yếu kém nội tại của mình, từ đó tìm cách khắc phục để có thể cạnh tranh với các nước khác khi hội nhập sâu rộng.

Theo bà Victoria, năng lực cạnh tranh và hiệu suất lao động thấp là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của Việt Nam hiện nay. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới sáng tạo, đầu tư vào công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các chính sách của Chính phủ cần hướng việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các chủ thể của nền kinh tế, như: phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả và hướng đến các sản phẩm dịch vụ, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp...

Bà Victoria đưa ra kiến nghị, các hiệp hội doanh nghiệp cần phải hiểu rõ hơn đâu là những cơ hội và thách thức trong việc tham gia thị trường toàn cầu, từ đó trao đổi, cung cấp thông tin để các thành viên trong hiệp hội phát huy được điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu.

Cũng tại Hội thảo, ông Vorapong, Giám đốc quan hệ Chính phủ khu vực Đông Nam Á, đồng chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết: “Trong thời gian tới, để thúc đẩy hiệu quả của phát triển bền vững, chúng ta cần phát triển một công cụ đo lường để ghi lại những nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình phát triển doanh nghiệp bền vững hơn. Do đó, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đặt kế hoạch xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững bao gồm các tiêu chí phù hợp với bối cảnh chính trị và xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế cho tất cả các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp, chính quyền, nhà đầu tư và công chúng"./.