Nhiều doanh nghiệp ghi dấu ấn

Trong vài năm gần đây, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Với tiềm lực sẵn có, không ít doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội tại các thị trường nước ngoài và kinh doanh thành công.

Một trong những doanh nghiệp điển hình khi đầu tư ra nước ngoài phải kể đến là Viettel. Trong năm 2014, tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của Viettel tăng trưởng 25% và đạt 1,2 tỷ USD. Tổng lợi nhuận trước thuế tại thị trường nước ngoài của doanh nghiệp này đạt 156 triệu USD và tăng trưởng 32% so với năm 2013. Hiện tại Viettel đã đầu tư kinh doanh tại 9 quốc gia trên thế giới với tổng dân số 175 triệu dân, tạo ra công ăn việc làm cho gần 80.000 người trên toàn cầu.

Cùng với Viettel, Vinamilk cũng là một doanh nghiệp đầu tư lớn ở thị trường nước ngoài. Trong năm 2014, doanh thu thuần từ thị trường nước ngoài của doanh nghiệp này đạt 5.684 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng doanh thu. Cũng trong năm 2014, Vinamilk đã chính thức động thổ nhà máy tại Campuchia. Dự án có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, trong đó Vinamilk có tỷ lệ nắm giữ sở hữu là 51%. Dự kiến, năm 2015, khi dự án đi vào hoạt động, doanh thu năm đầu tiên ước tính đạt khoảng 35 triệu USD và tăng dần qua các năm sau.

Là một doanh nghiệp thuộc khối tư nhân, song FPT cũng đánh dấu sự thành công của doanh nghiệp mình khi đầu tư ra nước ngoài. Trong năm 2014, doanh thu từ thị trường nước ngoài của tập đoàn này ước đạt 3.684 tỷ đồng, tăng 37%. Lợi nhuận trước thuế từ thị trường nước ngoài ước đạt 584 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2013. FPT nhận định, thị trường thế giới rộng lớn với mức chi hàng năm cho công nghệ thông tin vượt mức 1.000 tỷ USD và Mỹ sẽ tiếp tục là cơ hội không giới hạn của tập đoàn này trong những năm tiếp theo.

Trong lĩnh vực bất động sản, gây chú ý nhất là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khi doanh nghiệp này trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar với dự án khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center, quy mô hiện tại lên tới 550 triệu USD. Bên cạnh đó, công ty này còn đầu tư ra nước ngoài trong 4 lĩnh vực khác là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường, tổng giá trị đầu tư trên 1 tỷ USD.

Ngoài những doanh nghiệp kể trên, còn nhiều doanh nghiệp khác, như: Tập đoàn Cao su Việt Nam, BKAV, Tôn Hoa Sen, Kym Đan, chuyển phát Tín Thành... cũng đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài và bước đầu đã đạt được một số thành công nhất định.

Cần sự cẩn trọng

Mặc dù, “làn sóng” đầu tư ra nước ngoài trong những năm gần đây ngày càng mạnh mẽ, đánh dấu sự thành công của nhiều doanh nghiệp trong nước. Song, trên thực tế, cũng có không ít dự án đầu tư không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn.

Theo nhiều chuyên gia, viễn cảnh tươi sáng dễ khiến không ít doanh nghiệp đánh mất sự tỉnh táo cần có, bởi đầu tư ra nước ngoài là một quyết định không dễ dàng với nhiều rủi ro chờ đón. Vì vậy, sự chuẩn bị kỹ lưỡng là vô cùng cần thiết.

Trên báo Thời sự Pháp Luật, TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng bộ môn Luật, Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, ngay tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp còn chưa tận dụng hết cơ hội để khẳng định mình. Khi đầu tư ra nước ngoài, nếu nhìn theo chiều hướng không thiện chí, sẽ có ý kiến cho rằng chúng ta “nhà nghèo mà chơi sang”. Còn ở góc độ tổng thể, có thể thấy đầu tư ra nước ngoài là hoạt động khá mạo hiểm, đơn điệu và còn ít doanh nghiệp tham gia. Đơn giản vì chúng ta còn quá ít thông tin, cũng như kinh nghiệm trong việc khai thác thị trường bên ngoài. Chúng ta quen chờ đợi doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư thay vì đi tìm cơ hội. Như vậy, đầu tư ra nước ngoài mới chỉ là một gam màu nền và đang chờ “họa sĩ” tô màu.

Tuy nhiên, TS. Sơn cũng nhận định, đầu tư ra nước ngoài là xu hướng tất yếu của thị trường. Vì vậy, để đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả, các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thật rõ về thị trường đó. Doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn và phải đủ sức chịu đựng sự dài hạn đấy. Đặc biệt, doanh nghiệp phải cẩn trọng về lao động, nguồn vốn. Và dĩ nhiên, trong sự cẩn trọng phải am tường pháp luật các nước mình đầu tư.

Ngoài ra, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Trả lời phỏng vấn trên báo Hải quan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, việc quy định đồng bộ các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài một cách rõ ràng và cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp hỗ trợ về cung cấp thông tin, môi trường, cơ hội đầu tư nước sở tại, bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp cũng là vấn đề hết sức cần thiết hiện nay./.

Nguồn:

http://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/9307/ts-nguyen-ngoc-son-cu-ra-bien-lon-dung-so-that-bai!

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Dau-tu-ra-nuoc-ngoai-loi-nhuan-lon-cho-DN.aspx

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Dau-tu-ra-nuoc-ngoai-la-khang-dinh-vi-the-cua-Viet-Nam.aspx