4 nội dung thông tin cần trao đổi, cung cấp và công khai

Thông tư được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ ban hành về Quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Thông tư, 4 nội dung thông tin về doanh nghiệp cần được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi, cung cấp và công khai là thông tin đăng ký doanh nghiệp (tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp...); Thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp; Thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và Thông tin về xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm phát luật.

Đối với thông tin đăng ký doanh nghiệp, sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ quan chức năng có thể yêu cầu sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp cho các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Trường hợp phát hiện thông tin đăng ký doanh nghiệp do sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp chưa chính xác hoặc chưa đầy đủ so với tình trạng thực tế của doanh nghiệp, cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho sở Kế hoạch và Đầu tư để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đăng ký thay đổi hoặc hiệu đính thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định. Sau khi doanh nghiệp đăng ký thay đổi hoặc hiệu đính thông tin, sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thông báo kết quả cho cơ quan chức năng có liên quan.

Đối với thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở khai thác từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, sở Kế hoạch và Đầu tư đối chiếu thông tin với cơ quan thuế về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động quá một năm không thông báo với cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh, sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt theo quy định của pháp luật.

Về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp hoạt động trong ngành lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; chủ động xây dựng phương án, công cụ trao đổi thông tin doanh nghiệp với sở Kế hoạch và Đầu tư, cục thuế và các cơ quan đầu mối thông tin doanh nghiệp khác để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Tăng cường phối hợp trong thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm

Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan đầu mối xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra doanh nghiệp để báo cáo UBND cấp tỉnh. Kế hoạch thanh, kiểm tra doanh nghiệp có thể được xây dựng độc lập hoặc là một trong các nội dung của kế hoạch thanh, kiểm tra của tỉnh, thành phố.

Các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình. Trong kế hoạch thanh, kiểm tra hàng năm, cơ quan chức năng phải xác định cụ thể doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp dự kiến thanh, kiểm tra.

Sau kế hoạch thanh, kiểm tra được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan chức năng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp theo kế hoạch đã được cấp.

Trường hợp thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra tỉnh có trách nhiệm chủ trì, các cơ quan liên quan cử cán bộ tham gia. Kết quả thanh tra liên ngành phải được gửi cho các cơ quan chức năng tham gia. Hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực được xử lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Căn cứ kết luận của đoàn thanh tra liên ngành để quyết định hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý theo quy định.

Đối với trường hợp phải thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, thì trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày xác định hành vi phạm của doanh nghiệp, phòng đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo bằng văn bản cho sở Kế hoạch và Đầu tư./.